Nghe trong Thu có tiếng Jazz lạ…

TPO - Hà Nội đã vào thu, mỗi buổi sớm đi trong lòng Hà Nội lại thấy sự tinh khiết của đất trời, của hương hoa và cả của những con người vội vã. Nhấm nháp ly cà phê trong buổi sớm thu, lắng nghe những giọt thu rơi, chợt giật mình khi từ radio chen vào đâu đấy trong thu một câu ca Hà Nội: "Bởi vì mùa thu, tôi ở lại, Hà Nội mùa thu, Hà Nội thu."  

Bất ngờ "hoạ mi bán cổ điển"

Nhận ra giọng ca của cô ca sỹ quen thuộc không phải người Hà Nội, nhưng đã hát về miền đất này một cách rất Hà Nội và rất riêng: Ca sỹ Phạm Thu Hà.

Người ta bắt đầu để ý đến Phạm Thu Hà khi cô xuất hiện một cách ấn tượng qua một bài nhạc kịch nổi tiếng. Một cô ca sỹ có giọng hát mềm mại và bay bổng. Cô chiếm lĩnh sự quan tâm của khán giả bằng sự chuyên nghiệp. Cô trình diễn trên các sân khấu không nhiều, nhưng mỗi lần như vậy lại luôn mang lại sự bất ngờ cho công chúng với các tiết mục không chỉ được đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh hay trang phục, mà điều quan trọng hơn là rất mới.

Cho dù thể hiện ca khúc nước ngoài hay ca khúc Việt Nam, cô luôn làm khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về giọng hát và khả năng chiếm lĩnh sân khấu của mình. Người ta bắt đầu gọi cô là "hoạ mi bán cổ điển".

Có lần, cô tâm sự: "Mong muốn lớn nhất của tôi là đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng". Và cô đã làm được điều đó. Khi được hỏi vì sao có nhiều sự sáng tạo và năng lượng đến như vậy, cô chỉ cười. Nhưng tôi hiểu được cái khát khao chạm đến những nấc thang mới trong nghề nghiệp của người nghệ sỹ và thầm thán phục bản lĩnh và sự sáng tạo của cô.

Dường như, bên trong Phạm Thu Hà luôn có dòng chảy của âm nhạc tuôn không ngừng. Cô đã làm công chúng không khỏi ngỡ ngàng khi ra album đầu tiên, hát cổ điển hoà trộn với chillout. "Classic meets Chillout" ngay lập tức trở thành hiện tượng của làng nhạc và đưa về cho cô Giải thưởng "Album của năm" do Báo Thể thao và Văn hoá tổ chức. Sự thử nghiệm này đã làm cho thầy giáo của cô, NSND Trung Kiên đã phải thốt lên rằng: "Nếu có điều kiện, tôi muốn các sinh viên nhạc viện được đào tạo để có thể hát pha trộn hay được như vậy!".

Nghe trong Thu có tiếng Jazz lạ… ảnh 1 "Họa mi bán cổ điển" Phạm Thu Hà không ngừng sáng tạo

 Rồi cô lại thử "Pop hoá" nhạc cổ điển. Lần này sự lựa chọn không chỉ những ca khúc kinh điển nước ngoài, cô đã hát nhạc Việt. Những bài bất hủ như "Giọt lệ thiên thu" của Trịnh Công Sơn hay "Suối mơ" của Văn Cao đã như được thổi vào một làn gió mới. Vẫn da diết, vẫn đằm thắm, nhưng hồn nhiên hơn, trong sáng hơn. Chính sự thành công của thử nghiệm này, đã làm cô bận rộn hơn với các sân khấu lớn, và cái tên Phạm Thu Hà đã trở thành một ví dụ điển hình khi người ta nhắc đến nhạc cổ điển. Khán giả khi nhắc đến nhạc cổ điển, đã không còn "đóng đinh" với những khuôn mẫu có sẵn. Họ hứng thú với những sự pha trộn tinh tế, dễ nghe hơn, dễ cảm hơn mà vẫn giữ được sự sang trọng của cổ điển.

Đây là sự thành công và có lẽ cũng là điều đáng tự hào đối với Phạm Thu Hà. Nhưng cuộc đời, thành công lúc nào cũng song hành với áp lực và thử thách. Nghệ sỹ muốn đứng vững trong lòng khán giả thì không bao giờ được phép lặp lại chính mình. Phạm Thu Hà đã nói mình may mắn vì có sự hỗ trợ của các nhạc sỹ thực tài và ekip chuyên nghiệp. Tôi biết cô nói thật lòng, nhưng với tôi trong đó còn có cả sự khiêm tốn. Để vượt qua được chính mình, tôi biết cô còn phải có một ý chí và khát khao mãnh liệt, một tình yêu cháy bỏng với âm nhạc, với một sự tính toán chiến lược và chính xác.

Hà Nội…yêu

Tôi đã thấy cô nhiều hơn trong các sự kiện quan trọng; đã chứng kiến cô những ngày sáng thu âm, trưa quay hình, tối biểu diễn. Bận rộn thế, nhưng lần nào cũng thấy sự chỉn chu và cầu toàn. Tôi đã bị sốc khi xem cô hát "Hồ trên núi". Không bàn đến giọng hát, chỉ riêng cảnh cô đứng hát một mình trên đỉnh núi cao, hay đứng hát giữa hồ trên một tấm kính mà không có bất cứ trang bị an toàn nào đã làm tôi choáng ngợp. Choáng ngợp trước tinh thần cống hiến dũng cảm trong một sắc vóc của người phụ nữ.

Rồi những điều bất ngờ lần lượt đến với tôi trong những sản phẩm tiếp theo của cô. Một album hát về Hà Nội theo phong cách cổ điển với nhạc Jazz, một đĩa than nhạc Phạm Duy, và rất nhiều sản phẩm riêng lẻ khác. Có lẽ cô là một trong những số ít nghệ sỹ hiếm hoi đã mời được những nhạc công người nước ngoài nổi tiếng, hay con trai của nhạc sỹ Phạm Duy, cộng tác trong các album của mình.

Nghe trong Thu có tiếng Jazz lạ… ảnh 2

Họ làm việc với cô chắc chắn không phải vì thù lao, mà họ nhìn thấy ở cô sự nghiêm túc, tính chuyên nghiệp và không thể không kể đến tài năng của cô. Tay trống nổi tiếng người Mỹ Ramon Bonda, người tham gia chơi nhạc trong album “Hà Nội...yêu!” của Phạm Thu Hà đã phải viết cho cô rằng: “Khi nghe em hát, tôi đã hiểu rằng nhạc jazz không hề có biên giới!”.

Hay nhạc sỹ Duy Cường, con trai nhạc sỹ Phạm Duy, người đã phối khí những bản xuất sắc nhất của danh ca Tuấn Ngọc, đã nói với cô trong nghẹn ngào: “Anh ước gì ba anh còn sống để được nghe em hát!”. Tất cả những ghi nhận đó đã đến với cô không hề dễ dàng. Đó là cả những năm dài khổ luyện, sự vươn lên không ngừng. Đó là sự sáng tạo được xây đắp bằng tình yêu âm nhạc, mồ hôi, nước mắt, tiền bạc, tuổi thanh xuân. Nhưng đã có sự ghi nhận xứng đáng. Tôi lại gặp cô trong chiều thu Hà Nội với sự vội vã thường thấy. Cô đi thu âm và chỉ nhìn tôi cười, nhưng tôi biết tiếp tục sẽ lại là những bất ngờ!

MỚI - NÓNG