Gạt bỏ lợi ích riêng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tròn 1 năm kể từ khi có hiệu lực thực thi, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đã cho thấy nhiều lỗ hổng cần khắc phục với những góc khuất chưa từng bị lộ sau giai đoạn thị trường xăng dầu đối mặt gián đoạn nguồn cung trong năm 2022.

Những cung bậc có phần lệch nhịp khi phối hợp điều hành giữa Bộ Công Thương và Tài chính; những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý, giám sát thị trường cũng như việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực xăng dầu cũng lần đầu cho thấy việc cấp thiết phải sớm chỉnh đốn thị trường nếu không muốn đối mặt với những rủi ro.

Hàng loạt đề xuất liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp đã cho thấy còn tồn tại rất nhiều vấn đề trong lĩnh vực quá nhiều sự nhạy cảm như xăng dầu.

Gạt bỏ lợi ích riêng ảnh 1

Nhà báo Phạm Tuyên.

Những năm trước, người dân, doanh nghiệp chứng kiến tình trạng xăng dầu lậu tung hoành rồi bằng cách nào đó, xăng dầu lậu được thẩm thấu đến từng cây xăng bán lẻ gây bao chuyện thị phi trong giới kinh doanh. Có những giai đoạn thị trường choáng váng khi hàng loạt đầu mối bị cuốn vào cuộc chạy đua vô tiền khoáng hậu về chiết khấu xăng dầu, có giai đoạn, thời điểm doanh nghiệp bán lẻ được chiết khấu (cắt hoa hồng) lên tới gần 3.000 đồng/lít. Nguồn xăng rẻ nhập khẩu, xuất xứ ở đâu mà nhiều đến vậy cũng là câu hỏi lớn được đặt ra. Có doanh nghiệp ước tính, xăng dầu lậu, xăng dầu giả giai đoạn trước chiếm tới hơn 10% tổng nguồn cung thị trường. Chỉ khi hàng loạt đường dây làm giả, tiêu thụ xăng dầu lậu bị triệt phá cũng cho thấy phần nào “tảng băng chìm” lợi trong kinh doanh xăng dầu. Những thắc mắc về việc vì sao xe ô tô hỏng, xe máy bị cháy không rõ nguyên nhân cũng dần được giải đáp khi nguồn xăng dầu lậu (chất lượng thả nổi) bị mạnh tay triệt phá.

Rồi chuyện những doanh nghiệp “bé hạt tiêu” mới được cấp phép kinh doanh xăng dầu nhưng sau một thời gian ngắn trở thành doanh nghiệp lọt top 5 nghìn tỷ rồi 10 nghìn tỷ đồng khiến người trong ngành không thể không đặt câu hỏi. Tình trạng mua bán lòng vòng, bát nháo trong kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, đặc biệt các đầu mối mới được cấp phép vài năm trở lại đây cũng chỉ mới được hé mở sau khi Bộ Công Thương tung quân đi thanh, kiểm tra hàng loạt đầu mối trên cả nước.

Câu chuyện cần giảm số đầu mối, xóa nấc trung gian thương nhân phân phối, rà soát lại vai trò của doanh nghiệp khi không tham gia bình ổn thị trường, không nhập khẩu, dự trữ xăng dầu theo đúng quy định nhưng vẫn “vô sự” đang là thách thức đặt ra với Bộ Công Thương giai đoạn tới khi dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu mới được góp ý, chỉnh sửa đầy đủ.

Việc thay đổi tư duy quản lý, tiếp tục nâng cao tính chịu trách nhiệm, bám sát diễn biến thị trường để điều hành giá là vấn đề đặt ra với cả Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Hy vọng những khúc mắc, đùn đẩy về việc kịp thời điều chỉnh chi phí cho doanh nghiệp sẽ không lặp lại sau khi việc phân vai được rõ ràng. Chỉ khi đó, với sự tận tâm, tận lực trong điều hành, giám sát chặt chẽ thị trường, người dân, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ chính những ý kiến góp ý đầy đủ, sát sườn nhất cho dự thảo Nghị định. Nhưng để làm được, bản thân các bộ, ngành, các địa phương, các hiệp hội phải làm hết trách nhiệm trong việc gạt bỏ những “lợi ích riêng” để cùng các chuyên gia xây dựng những quy định chặt chẽ hướng tới một thị trường xăng dầu ngày càng minh bạch hơn.

MỚI - NÓNG