Sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần giảm số đầu mối, xóa trung gian

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương xây dựng và đưa ra lấy ý kiến, có tổng cộng 10 điểm quan trọng liên quan đến điều hành và thị trường xăng dầu được sửa đổi. Các chuyên gia cho rằng, cần giao quyền cụ thể và hạn chế can thiệp thị trường hơn nữa. 

Siết quản lý cấp phép

Việc sửa đổi được cho là chú trọng đến: Công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu; thời gian điều hành, công bố giá; Quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu; Các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn; quyền, nghĩa vụ của các DN xăng dầu; Quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Dự thảo nghị định cũng hướng tới sửa các vấn đề liên quan điều kiện về kinh doanh xăng dầu và quy định về dự trữ lưu thông bắt buộc.

Để không còn cảnh DN bị thua lỗ do chi phí kinh doanh chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới, các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá. Các doanh nghiệp sẽ căn cứ vào chi phí thực tế để tự xác định và công bố giá bán lẻ, thực hiện kê khai giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.

Theo Bộ Công Thương, dự thảo nghị định mới sẽ vá được các lỗ hổng về kinh doanh xăng dầu trong Nghị định 95 và 83, đồng thời hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu.

Liên quan đến thời gian điều hành và công bố giá xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án, giữ nguyên 10 ngày như hiện nay và giảm xuống 7 ngày điều chỉnh/lần và điều chỉnh vào ngày thứ năm hằng tuần, không kể ngày nghỉ lễ. “Việc điều chỉnh sẽ bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá thế giới. Việc điều hành sẽ được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ”, tổ soạn thảo nghị định của Bộ Công Thương đề xuất.

Về những kiến nghị của DN liên quan quy định mức chiết khấu tối thiểu, dự thảo nghị định đề xuất không quy định mức chiết khấu tối thiểu. Lý do là để các doanh nghiệp tự quyết định và điều chỉnh linh hoạt, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn và có sự chia sẻ khó khăn giữa đại lý với đơn vị cấp xăng dầu.

Sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần giảm số đầu mối, xóa trung gian ảnh 1

Theo các DN, việc giảm bớt các tầng nấc trung gian sẽ giúp giá xăng dầu giảm theo Ảnh: Q.Thành - KNB

“Trường hợp cho phép đại lý lấy từ nhiều nguồn, khi có khó khăn về nguồn cung như thời gian vừa qua có thể xảy ra tình trạng không đơn vị nào chịu trách nhiệm về việc cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ của đại lý. Vì vậy, nên quy định đại lý chỉ được lấy từ một nguồn nhằm phù hợp với Luật Thương mại. Nếu đại lý lấy từ nhiều nguồn với mức giá khác nhau, đại lý không có quyền quyết định giá bán”, các ý kiến đề xuất trong dự thảo.

Rút ra bài học từ việc thị trường xăng dầu thời gian qua có tới 38 đầu mối, hơn 300 thương nhân phân phối, gần 17.000 cửa hàng bán lẻ nhưng cung cấp hàng vẫn bị gián đoạn, rối…, dự thảo đưa ra 3 phương án khắc phục.

Quy định về dự trữ lưu thông bắt buộc trong 20 ngày tiêu thụ bình quân đối với DN đầu mối, 5 ngày tiêu thụ bình quân đối với thương nhân phân phối và các DN tự dự trữ bằng nguồn lực của DN…tiếp tục được duy trì.

Phải giảm các tầng nấc trung gian

Theo lãnh đạo một DN đầu mối, việc điều hành mặt hàng xăng dầu hiện nay khiến cơ quan quản lý nhiều khi “mắc kẹt”, do phải thực hiện cùng một lúc nhiều mục tiêu: Giữ ổn định giá để kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội; bảo đảm an ninh năng lượng. Việc thiếu kiểm soát chặt chẽ điều kiện gia nhập thị trường hay việc mạnh tay xử lý các vi phạm của DN cũng dẫn đến hệ quả về việc gián đoạn nguồn cung…

“Xăng dầu cũng như các mặt hàng thiết yếu khác, đang được kinh doanh theo cơ chế thị trường. Để duy trì hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu liên tục, các DN cũng cần có động lực kinh doanh (phải có lợi nhuận). Về lâu dài, Nhà nước nên xem xét chỉ đạo tăng nguồn dự trữ quốc gia đối với xăng dầu để bình ổn thị trường khi cần thiết, giảm dần việc can thiệp thị trường. Cùng với đó, cần xem lại vai trò và thanh lọc các thương nhân phân phối hiện nay”, vị này nói.

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cho DN tự quyết giá bán như dự thảo hiện nay không phù hợp khi vẫn còn trường hợp DN thống lĩnh, nắm giữ gần 50% thị phần. Như vậy sẽ không có sự cạnh tranh khi giá của DN đầu mối lớn nhất là Petrolimex, PVOIL luôn tốt hơn các DN khác nhờ số lượng nhập lớn hơn. Việc quản lý DN bằng cách trình phương án giá cho Liên Bộ Công Thương - Tài chính, theo ông Long, cũng không ổn khi đây là cách đẩy sang DN tính giá thay vì cơ quan quản lý tính giá cơ sở xăng dầu như trước.

“Đề xuất đưa điều hành giá về Bộ Tài chính là không phù hợp do bộ này chủ yếu quản lý về thuế, phí, cách tính giá... chứ không quản lý về thị trường, cung cầu”, ông Long nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG