Gặp nguyên mẫu trên tượng đài Chiến thắng

Ông Trần Quý bên di tích lô cốt Cây đa cụt. Ông chính là nguyên mẫu nhân vật ôm bộc phá trên bức phù điêu. Anh: Như Ý
Ông Trần Quý bên di tích lô cốt Cây đa cụt. Ông chính là nguyên mẫu nhân vật ôm bộc phá trên bức phù điêu. Anh: Như Ý
TP - “Trước mặt các bác là lô cốt Cây đa cụt, hay còn gọi là Ụ thằng người. Lô cốt này bị đại đội 671-tiểu đoàn 251-trung đoàn 174-đại đoàn 316 tiêu diệt lúc 1 giờ 30 phút ngày 7/5/1954…”, tiếng cô hướng dẫn viên lanh lảnh gần chân đồi A1, cạnh bức phù điêu. Nghe đến đây, người cựu binh mắt hoe đỏ…

“Ta vẫn sống bởi vì ta dũng cảm…”

Khoác trên mình bộ quân phục chỉnh tề gắn đầy trên ngực những huân huy chương đủ loại, đứng dưới chân khu di tích lịch sử đồi A1, người cựu chiến binh với chiếc mũ cối trên mái đầu tóc bạc gây chú ý cho nhiều du khách bởi giọng nói vẫn còn sang sảng. Ông tên Trần Quý, một cựu chiến binh Điện Biên Phủ từng chiến đấu tại điểm cao A1. 

Dịp này, theo lời mời của một đơn vị truyền hình, ông cất công lên thăm lại chiến trường xưa. Đã ngoại bát tuần, nhưng người lính già vẫn bước phăng phăng về phía dốc lên đồi A1, nét mặt hồ hởi và đúng “chất” của người lính với cái bắt tay rất chặt mỗi khi gặp các cựu chiến binh đi ngược chiều.

Dường như vẫn vẹn nguyên tác phong nhanh nhẹn, tinh anh và hùng dũng của người Tiểu đội trưởng bộc phá trận đánh A1 năm xưa.

Trên đường lên đồi A1, gặp người dân địa phương bán hàng hai bên đường, ông trò chuyện vài câu tiếng Thái. Tiếng cười của ông lẫn trong tiếng tiếng chào hỏi của những người bán hàng và du khách tham quan. Được khoảng chục mét, ông dừng lại, vẻ đăm chiêu nhìn vào bức phù điêu ngay bên cạnh hào chiến đấu bên di tích lô cốt Cây đa cụt.

“Tôi là nguyên mẫu cho hình người ôm bộc phá trên bức phù điêu đấy”, ông cười. Nhiều du khách, trong đó có các cựu chiến binh thời chống Mỹ vây quanh ông. Bàn tay da đồi mồi của người cựu chiến binh Điện Biên Phủ đưa ra, nắm lấy một vài bàn tay. Đoàn người líu ríu xin chụp ảnh cùng, người hỏi thăm sức khỏe.

“Ông còn khỏe mạnh quá, chúng con chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu ông mà thấy yếu lắm rồi. Gặp ông ở đây mừng quá”, một cựu chiến binh chống Mỹ bắt tay ông rất chặt, nói trong xúc động.

Gặp nguyên mẫu trên tượng đài Chiến thắng ảnh 1

Ông Quý mô tả lại động tác ném khối bộc phá vào trong lô cốt Cây đa cụt

Yên lặng một hồi, ông kể, ngày xưa, ở vị trí này có cây đa bị gẫy hết chỉ còn một cái cành nên gọi là lô cốt Cây đa cụt. Ban đêm trông như một người đứng gác cho nên anh em gọi vui là Ụ thằng người. Đây là một vị trí quan trọng nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho Đại đội trưởng Lâm Viết Hữu đánh. 

“Không ai muốn có chiến tranh để trở thành anh hùng, và nếu trở thành anh hùng thì cũng phải trả giá rất đắt. Giá như không có chiến tranh thì tốt”.

Cựu binh Trần Quý

“Mình có vinh dự là thuộc cấp của ông Lâm Viết Hữu nên được giao nhiệm vụ lên đánh Ụ thằng người. Mình đánh được lô cốt này thì bộ đội mình mới đánh xong A1 được”, ông kể. Giải thích thêm về vị trí này, ông bảo, từ ngày 30/3, quân ta bắt đầu nổ súng đánh A1, nhưng chỉ có hai hướng Đông Bắc và Đông Nam, không có hướng từ Ụ thằng người. Hướng này nối liền với các điểm cao A3, A2…và liên quan mật thiết với Mường Thanh. “Tiếng là ta đánh với 2 tiểu đoàn nhưng thực tế là đánh với 5 tiểu đoàn vì có thêm 3 tiểu đoàn ở Mường Thanh lên”, ông nói.

Tối 6/5/1954, quân ta mở đợt tiến công thứ hai nhằm tiêu diệt cứ điểm đồi A1. Ông Quý kể, 21 giờ, tiếng nổ của quả bộc phá 1.000kg từ trong lòng đồi A1 làm cho đất đá nổ tung, khói bụi mù mịt. Chỉ ít phút sau hỏa lực của địch từ đồi A1, A3, Ụ thằng người bắn ra rất dữ dội, nhóm bộc phá không tiến lên được. 

Tiểu đội trưởng bộc phá Trần Quý được phân công đánh lô cốt, mở đường cho quân ta tiến lên từ phía Ụ thằng người. Đúng lúc ấy, có lệnh từ trên xuống yêu cầu nhanh chóng đánh chiếm Ụ thằng người, cắt đường tiếp viện của địch. “Bộ đội mình bắn cối 120 ly vào như “giã giò” mà lô cốt Ụ thằng người chẳng thấm thía gì”, ông kể.

Nhiệm vụ quan trọng nên ông Trần Quý hết sức cẩn trọng. “Mình lợi dụng góc chết giữa hai lỗ châu mai, đi vào khe giữa. Phải nhanh, chỉ trong 3 giây”, ông chia sẻ, ánh mắt căng ra. 

Chỉ vào đoạn dốc bên cạnh lối đi, ông bảo đi lên một đoạn, vừa ngó vào lô cốt thì một lính Pháp làm luôn một loạt tiểu liên. Máu me đầy mặt, nhưng ông vẫn kịp ném bộc phá 15 kg vào trong lô cốt.

Giọng run run, ông kể về thời khắc hào hùng nhất trong cuộc đời: “Dây cháy chậm có 3 phân, cháy trong 6 giây. Ném xong, tôi lùi ra được 6 bước thì nó nổ. Sức ép tung người tôi lên cao, rơi xuống rồi bị bất tỉnh. Anh em đằng sau xông lên rầm rập. Lúc đó vội, có những người tưởng tôi là liệt sỹ rồi, giẫm cả lên người…”.

Đến 0 giờ 30 phút ngày 7/5, Đại đội 671 hạ được cứ điểm Ụ thằng người, cắt đường hào tiếp viện của địch từ A3 lên A1… “Khi giải quyết Ụ thằng người xong thì A1 cũng xong, làm tiền đề cho chiến thắng cuối cùng chiều 7/5”, ông Quý kể.

Đưa mắt quan sát xung quanh, ông bảo chiến trường đã thay đổi nhiều. Ngày xưa toàn đất đỏ, không có cây cối, vỏ đạn, người chết nằm khắp nơi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh bộc phá rồi ngất đi, đến khi tỉnh dậy, ông Quý thấy đang nằm ở trạm y tế Mường Phăng, rồi sau đó, dân công Phú Thọ khiêng về tận Đoan Hùng (Phú Thọ). 

Vết tiểu liên của địch bắn vào mặt khiến ông gẫy mất hai chiếc răng, xuyên qua xương gò má, đến bây giờ vẫn để lại sẹo. “Đồi A1 dưới mưa bom lửa đạn/Tưởng con người không thể sống nơi đây/ Ta vẫn sống bởi vì ta dũng cảm/ Cái chết phải lùi nhường bước cho ngày mai”, ông Quý khẽ đọc thơ, mắt hoe đỏ.

Nhiệm vụ cuối cùng

“Mình kể ra đây để tri ân công lao của đồng đội chứ không phải vì cá nhân”, ông Quý nhắc đi nhắc lại trong cuộc trao đổi với phóng viên. Ông kể, dù gia đình không muốn cho đi xa vì tuổi cao, sức yếu, nhưng may mắn còn sống, là một nhân chứng nên cố gắng đi thăm lại chiến trường xưa. 

Gặp nguyên mẫu trên tượng đài Chiến thắng ảnh 2

Ông Quý kể lại cuộc chiến đấu tại Ụ thằng người cho các cựu chiến binh thời chống Mỹ nghe

“Vì cái chung nên mới đi. 60 năm thì còn đi được chứ 70 năm thì chưa chắc. Mình lên đây, người thật, việc thật nói cho rõ ràng, chứ sau này không còn ai, sự thật nó phai nhạt đi”, ông nói. Theo ông, đây cũng là nghĩa vụ chung, nhiệm vụ cuối cùng của một người lính, một nhân chứng lịch sử.

Ông Quý kể, tại hướng đánh vào lô cốt Cây đa cụt năm xưa, hiện chỉ còn sống 8 người. “Hôm 30/3 vừa rồi, chúng tôi mới họp mặt kỷ niệm ngày bắt đầu đánh A1”, ông nói. Ông bảo, có một lời nguyền trên chiến trường, rằng, ít có những tiểu đội trưởng bộc phá sống được quá 3 chiến dịch. 

“Tớ may mắn sống qua hai chiến dịch”, ông nói. Ông thừa nhận, gặp may mắn nên còn sống đến ngày hôm nay. “Kết thúc chiến dịch, tiểu đội có 16 người thì về được 4 người”, ông Quý xúc động nói. Ông vẫn nhớ khung cảnh ngày đó, đồi toàn đất đỏ, chỗ nào cũng thấy mảnh đạn, xác người, không khí rất tang thương.

“Có những người hy sinh từ ngày 1/4 nhưng đến tận ngày 7/5 mới được chôn cất vì nằm lại bên phía địch chiếm giữ”, ông gạt vội dòng nước mắt. Ông Quý kể, khi chôn đồng đội chỉ kịp khắc và viết bằng hắc ín trên miếng gỗ, qua thời gian mấy chục năm, bị mối mọt hết nên giờ trở thành liệt sỹ vô danh. “Ở nghĩa trang A1, có mấy bạn tri kỷ đang an nghỉ nhưng không tìm thấy tên”, ông ngậm ngùi.

Dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông cũng lên thăm lại chiến trường xưa. 10 năm sau trở lại, ông bảo, Điện Biên thay đổi nhiều quá, có những thứ khiến ông phải bất ngờ vì không hình dung nổi. “Lên đây thấy cảnh phát triển thế này mình thấy không uổng máu xương của đồng đội, của mình”, ông nói.

Người cựu binh Điện Biên bảo: “Không ai muốn có chiến tranh để trở thành anh hùng, và nếu trở thành anh hùng thì cũng phải trả giá rất đắt. Giá như không có chiến tranh thì tốt”, ông nói. “Nhưng bây giờ thì kết thúc rồi. Tôi rất vui”. Ông bảo, hòa bình hữu nghĩ rồi, mọi thù hằn, oán hận đã lùi sâu vào quá khứ.

Sau kháng chiến chống Pháp, ông Quý còn tham gia kháng chiến chống Mỹ, tham gia kháng chiến tại Lào 10 năm. Trong chiến dịch Quảng Trị, ông bị viêm mật, phải cắt, rồi sau đó lại phải cắt dạ dày rồi ra quân tháng 10/1974, chuyển sang công tác giảng dạy trong quân đội. Do có nhiều thành thích, ông được tặng nhiều huân chương cao quý của hai nhà nước Việt Nam và Lào.

MỚI - NÓNG