Đóng góp 10 - 28% GDP mỗi năm
Ngay sau khi thống nhất đất nước, ngày 3/9/1975, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) được thành lập trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
Sau gần nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành (3/9/1975 - 3/9/2023), Petrovietnam đã có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện cả về quy mô và chiều sâu. Tập đoàn hoàn chỉnh đồng bộ từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, đến công nghiệp khí, lọc hóa dầu, điện và năng lượng tái tạo, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.
Tính từ năm 1986 đến hết năm 2022, tổng doanh thu của Petrovietnam đạt trên 400 tỷ USD. Trong giai đoạn 2006-2015, Petrovietnam đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách Nhà nước, 18-25% GDP cả nước. Từ năm 2015 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường và mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Petrovietnam vẫn đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước (trong đó từ dầu thô 5-6%), 10-13% GDP cả nước.
Petrovietnam đã trở thành một tập đoàn kinh tế lớn mạnh có tổng tài sản hợp nhất gần 43 tỷ USD, nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất 22,5 tỷ USD. Giai đoạn 2016-2022, tổng tài sản Petrovietnam tăng 3,9%. Hiện nay có hơn 50.000 cán bộ nhân viên người lao động trong các lĩnh vực của chuỗi giá trị dầu khí. Nguồn nhân lực dầu khí đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực.
Đồng hành cùng đất nước trong mục tiêu tăng trưởng, trong lĩnh vực sản xuất điện, tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện của Petrovietnam chiếm hơn 7% tổng công suất lắp đặt và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện phát trong toàn hệ thống điện quốc gia. Điều này khẳng định vững chắc vai trò và vị thế của Petrovietnam với tư cách là nhà sản xuất điện lớn thứ hai tại Việt Nam.
Trong bối cảnh giá xăng dầu lên cao, nguồn cung xăng dầu trên thế giới khan hiếm, thì việc xây dựng và quản trị chuỗi liên kết trong ngành Dầu khí càng có ý nghĩa trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Nhà máy lọc dầu Dung Quất dưới sự phối hợp hỗ trợ của các đơn vị từ khâu đầu đến khâu cuối thuộc Petrovietnam luôn đảm bảo được cung cấp đủ dầu thô để vận hành liên tục, an toàn và hiệu quả ở mức 100 - 110% công suất, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Xây dựng tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia
Trong dòng chảy của lịch sử, sẽ không thể tránh khỏi được những thăng trầm và Petrovietnam cũng không ngoại lệ. Từ năm 2019 đến nay là thời kỳ Petrovietnam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành Dầu khí. Công nghiệp dầu khí thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng khiến giá dầu giảm xuống mức thấp kéo dài, cá biệt có thời điểm giá dầu xuống mức âm (-37 USD/thùng) vào cuối năm 2019. Tình hình Biển Đông phức tạp, chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu, khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến mọi mặt hoạt động của Petrovietnam. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về dầu khí, các chính sách hỗ trợ ngành Dầu khí bắt đầu bộc lộ nhiều bất cập, thiếu thống nhất...
Giàn khai thác mỏ Sư Tử Trắng |
Hội nghị Cán bộ quản lý và người đại diện năm 2023, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, những năm qua tập đoàn gặp nhiều khó khăn. Như việc giá dầu suy giảm; tình hình Biển Đông nhiều biến động phức tạp; cơ chế, chính sách liên quan đến ngành Dầu khí còn nhiều bất cập; trữ lượng, tiềm năng dầu khí không như mong đợi; việc nhận bàn giao một số dự án yếu kém. Vượt qua những khó khăn đó, Petrovietnam thực hiện thành công các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, xác định được mục tiêu và giá trị cốt lõi để xây dựng, phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong tương lai.
“Xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực; có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia – đó là định hướng, là mục tiêu trong thời gian tới của Petrovietnam”, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Cán bộ, kỹ sư Nhà máy Đạm Cà Mau thực hiện bảo dưỡng các thiết bị |
Để đạt mục tiêu này, Petrovietnam đặt ra nhiều giải pháp. Tiêu biểu như: quản trị tốt nguồn nhân lực; Tập trung thúc đẩy hoàn thiện đồng bộ các thể chế và cơ chế. Phát triển công tác quản trị doanh nghiệp và tích cực chuyển đổi số. Đẩy mạnh khoa học công nghệ. Tập trung mở rộng và tích hợp trong công tác mở rộng thị trường và nâng cao thị phần cho các sản phẩm chủ lực. Tập đoàn phải tập trung tối ưu công tác đầu tư, tài chính, đẩy mạnh xây dựng văn hoá doanh nghiệp.
“Xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực; có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia – đó là định hướng, là mục tiêu trong thời gian tới của Petrovietnam”.
Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoànDầu khí
Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng yêu cầu các Ban chuyên môn, đơn vị khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chiến lược đầu tư, phát triển cơ sở vật chất để hướng tới hình thành các đơn vị dịch vụ chủ lực, có năng lực cạnh tranh mạnh, làm đầu tàu, đủ sức gánh vác những dự án có quy mô lớn của Tập đoàn cũng như trên thị trường quốc tế thời gian tới.
Trong 8 tháng đầu năm, Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 575,8 nghìn tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch năm; Nộp ngân sách nhà nước toàn tập đoàn về đích kế hoạch năm trước 5 tháng, thực hiện 8 tháng ước đạt 90,5 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước vượt 8% kế hoạch năm.
Trong những tháng cuối năm, Petrovietnam kiên định mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu quản trị đề ra. Để làm được điều này, Petrovietnam và từng đơn vị sẽ phải thường xuyên đánh giá, xây dựng kế hoạch điều hành dựa trên kịch bản tăng trưởng kinh tế đất nước và mục tiêu quản trị để cụ thể hóa, bám sát, quản trị chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch.
Tập đoàn rà soát những vấn đề còn tồn tại, khó khăn của đơn vị để có các chính sách, cơ chế, cũng như phân cấp hỗ trợ đơn vị tháo gỡ. Vận hành an toàn các đường ống khí, đảm bảo nguồn khí cho các nhà máy điện, đồng thời đảm bảo tính sẵn sàng, khả dụng cao của các nhà máy để cung ứng điện tối đa cho nền kinh tế. Vận hành ở công suất cao các nhà máy sản xuất để gia tăng sản lượng, bù đắp biến động giá giảm.