Gần 66% số ca nhiễm HIV do nguyên nhân này

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Đường lây truyền HIV đang có sự thay đổi mạnh, trong đó lây nhiễm qua đường tình dục tăng nhanh, trở thành phương thức lây truyền HIV chủ yếu (tăng từ 34,4% năm 2015 lên 65,6% năm 2018).

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, tại Hà Nội cũng như Việt Nam, trong 10 năm qua, cả 2 tiêu chí là số người nhiễm HIV mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS hàng năm đều giảm. Tính đến hết năm 2018, Hà Nội có hơn 21.000 người nhiễm HIV còn sống (chiếm 10% tổng số người nhiễm trên toàn quốc). Riêng trong năm 2018, Hà Nội phát hiện mới khoảng 1.290 trường hợp nhiễm HIV.

Đáng chú ý, đường lây truyền HIV đang có sự thay đổi mạnh, trong đó lây nhiễm qua đường tình dục tăng nhanh, trở thành phương thức lây truyền HIV chủ yếu (tăng từ 34,4% năm 2015 lên 65,6% năm 2018). Tuy nhiên, con đường lây truyền này hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu người nhiễm HIV được phát hiện sớm và điều trị bằng thuốc kháng virus kịp thời, theo đúng phác đồ.

Phát biểu tại sự kiện khởi động chiến dịch K=K - “Không phát hiện = Không lây truyền” tại Hà Nội vừa qua, ông John Blanford, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam khẳng định, những người sống chung với HIV đang điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và đạt tải lượng virus ở mức không phát hiện được trong máu (< 200 bản sao/ml) thì không có nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục”.

Thông điệp K=K được xây dựng dựa trên các bằng chứng khoa học từ các nghiên cứu chứng minh rằng điều trị HIV đạt hiệu quả cao trong việc giảm lây truyền HIV. Cụ thể, các nghiên cứu về quan hệ tình dục của người nhiễm HIV được điều trị ARV và kiểm soát tải lượng virus cho kết quả: Trong 130.000 lần quan hệ tình dục không dùng bao cao su giữa các cặp đôi cả đồng giới và khác giới, có 0 (KHÔNG) trường hợp lây truyền HIV.

Gần 66% số ca nhiễm HIV do nguyên nhân này ảnh 1 Đường lây truyền HIV đang có sự thay đổi mạnh, trong đó lây nhiễm qua đường tình dục tăng nhanh, trở thành phương thức lây truyền HIV chủ yếu (tăng từ 34,4% năm 2015 lên 65,6% năm 2018). Tuy nhiên, con đường lây truyền này hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu người nhiễm HIV được phát hiện sớm và điều trị bằng thuốc kháng virus kịp thời, theo đúng phác đồ. Ảnh minh họa: Internet
Từ tháng 5-2019, Hà Nội bắt đầu triển khai chiến dịch truyền thông “K=K” (Không phát hiện = Không lây nhiễm). Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, trong cộng đồng, K=K có vai trò rất quan trọng bởi nếu tất cả những người có HIV đều biết tình trạng của mình, uống thuốc ARV hằng ngày theo chỉ định và duy trì được tải lượng virus “không phát hiện” thì số ca nhiễm mới sẽ được giảm thiểu tối đa và từ đó kiểm soát được dịch HIV. Đây là cột mốc quan trọng nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống chung với HIV tiến tới đạt được mục tiêu 90-90-95 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) tại Hà Nội đến năm 2020.

Đánh giá về chiến dịch này, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế nhấn mạnh, thông điệp và chiến dịch K=K có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp tăng cường nhận thức về K=K và làm thay đổi cuộc sống của những người sống chung với HIV cũng như những người bị ảnh hưởng bởi HIV ở Việt Nam. Bà Hương cũng mong muốn mỗi người dân – nhất là người có nguy cơ cao hãy chủ động dự phòng trước phơi nhiễm (sử dụng thuốc PrEP), chủ động dự phòng sau phơi nhiễm (sử dụng thuốc PEP), chủ động đi xét nghiệm và chủ động đi điều trị nếu không may bị nhiễm HIV để bảo vệ chính mình và cộng đồng.

MỚI - NÓNG