Fushihara Hirota: 'Tôi đi tìm tôi ở Việt Nam'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Quen biết Fushihara Hirota do đôi ba lần tôi đã gặp và phỏng vấn. Ấn tượng và nhớ về một người Nhật "ăn được nước mắm", có cá tính. Những lần đấy đều nói về chủ đề luật pháp. Lần này khác, vì tôi mời anh đi uống cà phê ở quán rồi trò chuyện về đời sống của anh, về tiếng Việt. Và về thân phận của một người nước ngoài giỏi tiếng Việt, sống ở Việt Nam…

Khởi đầu từ tiếng Pháp

Hirota sinh ra và lớn lên ở Osaka, một thành phố nằm ở phía Tây của Nhật Bản. Bố anh là cán bộ phụ trách xuất nhập khẩu máy dệt của một công ty thương mại. Ông giáo dục con cái theo hướng nghiêm khắc của thế hệ cũ, chẳng hạn không bao giờ mua đồ chơi cho con. Đến những ngày sinh nhật hay Noel, ông thường chỉ tặng sách vở cho con cái. Đấy là những thứ mà cậu bé Hirota không hề mong muốn, buồn đến phát khóc. Anh trầm tư nhớ lại: “Học sách vở suốt ngày ở trường rồi, tôi rất muốn có đồ chơi điện tử Nintendo gắn vào TV cơ. Tôi nói mong ước đó với bố qua mẹ, nhưng rồi những năm sau vẫn thế”.

Mẹ Hirota giống như đa phần phụ nữ Nhật Bản, bà ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình và con cái, ưa thích tham gia các hoạt động xã hội của cộng đồng.

Tốt nghiệp phổ thông, Hirota theo học chuyên ngành Tiếng Pháp Khoa Nghiên cứu nước ngoài thuộc Trường Đại học Jochi ở Tokyo (tên tiếng Anh: Sophia). Anh kể: “Thời điểm này, tôi vẫn còn non nớt lắm, nên học xong phổ thông thì “automatic” vào đại học thôi, chả nghĩ ngợi gì. Chọn khoa tiếng Pháp, vì Paris hay châu Âu với tôi là những điều mới mẻ, là một trong các nền văn minh trên thế giới”.

Ngoài học tiếng Pháp, anh đọc rất nhiều sách chính trị, văn học, nghệ thuật… Và biết đến Việt Nam, một quốc gia chưa quen thuộc sâu sắc với người Nhật và dân chúng các nước phương Tây.

Những năm tháng sinh viên và Việt Nam

Vào đại học năm 1990, Hirota tham gia câu lạc bộ ngoại khóa của sinh viên ngoài giờ lên giảng đường. Câu lạc bộ này hay tổ chức nói chuyện, hội thảo về mối bang giao giữa Nhật Bản và các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Ngoài giờ học, anh đi làm thêm. Lúc đầu, làm những công việc đơn giản nên tuy vất vả nhưng tiền công không cao.

- Tôi làm nhân viên phục vụ nhà hàng, quán ăn. Vất vả mà thu nhập ít. Sau, tôi làm công việc dọn dẹp vào ban đêm cho một khách sạn. Khác ở Việt Nam, bên Nhật có những kiểu khách sạn công khai dành cho những cặp đôi. Khách sạn tôi làm chuyên phục vụ những đôi tình nhân. Khoảng 2-3 tháng, tôi đã dành dụm được một khoản tiền. Không nhiều lắm, chừng 2.000 – 3.000 đô la Mỹ, nhưng đủ để đi du lịch “nghèo”. Tiền mua vé máy bay khứ hồi và tiền thuê khách sạn là khoản chi chính.” – Fushihara Hirota kể.

- Thế vì sao anh chọn đi du lịch Việt Nam?

- Tôi chọn Việt Nam, vì thấy bắt đầu từ năm 1986, chính phủ Việt Nam đổi mới, mở cửa theo phương châm “đa dạng hóa, đa phương hóa”. Ở Nhật Bản, nhiều người biết đến Việt Nam hơn. Thông tin không hạn hẹp như trước, chẳng hạn như bố mẹ tôi vẫn hình dung Việt Nam đang có chiến tranh. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu có ý định tiếp xúc với ý định đầu tư vào Việt Nam. Tôi quan tâm đến điều này.

Fushihara Hirota: 'Tôi đi tìm tôi ở Việt Nam' ảnh 1

Kỳ nghỉ hè của năm thứ 2 đại học (1992), Hirota mua vé du lịch đi TP Hồ Chí Minh, khoảng chừng 1 tháng. Cảm xúc của anh rất tích cực:

- Thành phố đầy năng lượng và nhiệt lượng này đón tôi với phong cách cởi mở, thoải mái, phóng khoáng và thân thiện. Chứ không câu nệ khuôn khổ và quy tắc như Nhật Bản quê hương tôi. Cảm xúc thú vị lắm.

Lúc này, Hirota bắt đầu phân vân về việc 2 năm học nữa anh ra trường rồi sẽ đi làm ở một công ty. Và như truyền thống của dân Nhật, thì sẽ làm suốt đời cho công ty đấy hoặc ít nhất là một – hai chục năm cho họ. Sự “nhảy” việc là hiếm khi đó.

- Có vẻ như là một bước chuyển trong suy nghĩ của anh?

Fushihara Hirota gật đầu, đáp:

- Vâng, mà tôi thì tự thấy mình thời điểm ấy chưa có chuyên môn nào thật sâu thật giỏi, tài năng tư duy cũng chỉ ở dạng bình thường. Tôi cứ trăn trở, vậy thì tôi là ai? Để trả lời, tôi cần thêm thời gian nữa để xác định được khả năng, căn tính của mình một cách rõ ràng, xác định được cả đam mê, mình yêu thích điều gì. Để biết mình là ai, để có thể đưa ra quyết định về sự nghiệp cho cuộc đời của mình. Sau chuyến du lịch, tôi thấy Việt Nam xứng đáng là đất nước để thử thách tôi, và tôi quyết định xin bảo lưu các học phần đã học tại Đại học Sophia, để sang Việt Nam học tiếng Việt, tiếp xúc gần gũi hơn với người Việt và đất nước Việt Nam.

Fushihara Hirota tâm sự:

Có giai đoạn, tôi rất muốn và quyết tâm trở thành người Việt Nam 100%.

Nhưng rồi tôi nhận ra, đó là mục tiêu bất khả thi. Vì dù tôi học tiếng Việt giỏi đến mức nào, sống và làm việc ở Việt Nam lâu đến bao nhiêu, ăn được nước mắm hằng ngày - tôi cũng không thể là người Việt Nam 100%. Bởi vì tôi sinh ra là người Nhật Bản và vẫn luôn là người sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản. Có bạn nửa đùa nửa thật, nói tôi lấy vợ người Việt Nam thì tôi sẽ là người Việt 100%. Cũng không thể, vì khi đấy thì “cá thể” tôi cũng vẫn là tôi chứ?

Học tiếng Việt ở trường, ở công việc và khi lang thang quán xá vỉa hè

Fushihara Hirota đăng ký học tại khoa Tiếng Việt của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội 1993-1995. Anh sống ở ký túc xá sinh viên nước ngoài thuộc phường Bách Khoa. Trong 2 năm đó, Hirota học tiếng Việt ở lớp với các thày Nguyễn Văn Chính và Trần Nhật Chính. Anh còn học tiếng Việt bằng cách trải nghiệm ra phố lang thang. Anh ăn cơm bình dân buổi trưa, ăn phở, ăn caramen, ăn sữa chua, uống cà phê… Rồi anh lân la nói chuyện với các bạn phục vụ quán, và hầu hết các bạn này sẵn sàng nhiệt tình cởi mở nói chuyện với anh.

Fushihara Hirota hãnh diện: “Tôi chủ yếu học cách nói, lối nói tiếng Việt trong đời thường như thế”.

Fushihara Hirota: 'Tôi đi tìm tôi ở Việt Nam' ảnh 2
Gặp gỡ ca sĩ Tùng Dương

Học tiếng Việt xong, Hirota quay về Nhật. Sau khi trở về Nhật Bản (năm 1996), ban ngày Hirota làm phiên dịch tự do tiếng Việt cho các khách hàng Nhật Bản, Việt Nam. Vào buổi tối, Hirota làm việc bán thời gian cho đài NHK (Nhật Bản). Công việc của Hirota là dịch và đọc ra tiếng Nhật những bản tin thời sự mà đài NHK mua của Đài truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) - phát sóng trên Đài NHK cho khán giả Nhật; và phiên dịch cho một số hội nghị cấp cao.

Anh nhắc lại, vẻ tự hào:

- Thời điểm đó, tôi đã hân hạnh phiên dịch cho mấy chuyến thăm doanh nghiệp hoặc dự hội nghị tại Nhật Bản của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh… Ấn tượng của tôi về các vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam này là sự hòa nhã, không thể hiện sự phân biệt khi đối xử với quan chức hay dân thường. Trong 12 năm, hằng ngày tiếp xúc với tiếng Việt, tôi đã trưởng thành nhiều về việc phiên dịch, biên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Nhật, và ngược lại.

Năm 2008, Fushihara Hirota quay lại Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp Khóa học pháp luật sau đại học (Juris Doctor) của Đại học Sophia vào năm 2008, anh gia nhập Công ty Luật Uryu & Itoga (Nhật Bản) và được điều đến Việt Nam với tư cách là người đại diện của công ty tại văn phòng Hà Nội. Năm 2015, Hirota tốt nghiệp trường Đại học Luật Hà Nội văn bằng hai (chính quy). Năm 2017, tốt nghiệp khóa đào tạo luật sư Học viện Tư pháp Việt Nam (Bộ Tư pháp). Vào năm 2019, Fushihara Hirota thành lập Libero & Associates, chuyên về tư vấn đầu tư kinh doanh và tư vấn pháp lý liên quan.

Fushihara Hirota, người Nhật – làm việc trong lĩnh vực tư vấn pháp lý, giám đốc The Libero & Associate Co., Ltd, hòa giải viên chính thức của Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC), giảng viên trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại diện và Đồng sáng lập “Dự án Vết xe Hy vọng Việt – Nhật” (tổ chức phi lợi nhuận, hỗ trợ giải quyết những khó khăn và thiệt hại của lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản).

“Trong tôi, luôn có một phần là người Việt Nam"

Nhìn vẻ mặt Fushihara Hirota như đang chìm trong những kỷ niệm của mình, tôi hỏi:

- Vậy đến giờ, chắc anh đã trả lời được câu hỏi “Tôi là ai” rồi nhỉ? Mà tôi cũng tìm ra tên của bài báo này rồi".

- Tên gì thế? - Hirota hỏi.

- Tôi đi tìm tôi.

- Nghe triết học “nhể”? (cười).

Lát sau, Hirota chuyển giọng mang âm sắc tâm sự:

“Những ngày mới đến Việt Nam, học tiếng Việt abc, tôi cảm thấy vui mỗi khi các bạn Việt Nam “chiều chuộng tôi, trìu mến tôi, nâng niu tôi” bởi tôi là người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam, nói và hiểu được tiếng Việt cơ bản. Lúc đó chắc tôi là một thứ gì đó đáng yêu. Tôi chưa hiểu điều gì đó của Việt Nam, tôi được các bạn Việt Nam chủ động làm quen và vui vẻ chỉ dẫn, giải thích về điều đó. Bây giờ, tôi không được các bạn Việt Nam cư xử như trước nữa. Tôi đã trải qua một thời gian dài để sống và làm việc bằng tiếng Việt, nghiên cứu chuyên môn về pháp luật Việt Nam, tìm hiểu xã hội Việt Nam. Mặc dù hiện tôi vẫn còn nhiều điều chưa hiểu về Việt Nam, nhưng các bạn Việt Nam hiện không hẳn coi tôi là một người nước ngoài theo nghĩa đen nữa, cũng không hẳn là người Việt theo nghĩa bóng nữa - mà quan sát tôi và tiếp cận thận trọng, giữ khoảng cách nhất định với tôi”.

Với Fushihara Hirota, đây đúng là một câu chuyện khiến anh day dứt thực sự:

“Nhớ về trước kia. Đó là thời gian rất hạnh phúc và dễ chịu đối với tôi vì mỗi khi tôi nói tiếng Việt thì các bạn Việt Nam đều hoan hô, vỗ tay cổ vũ tôi, dường như tôi là một “anh hùng nhỏ bé”. Nhưng bây giờ, tôi luôn sống trong những thử thách. Những thử thách này sẽ phần nào trả lời cho những câu hỏi như “Tôi là gì ở Việt Nam? Tôi có ý nghĩa gì ở Việt Nam? Lý do tồn tại của tôi ở Việt Nam? Tôi không phải ở Việt Nam chỉ để nuôi sống bản thân, cũng không phải để làm kinh tế. Bởi Việt Nam là một phần căn tính của tôi, tôi có trách nhiệm cống hiến cho sự công bằng, hạnh phúc của người Việt Nam, cho mối quan hệ tốt đích thực giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Rồi giọng anh đầy suy tư:

“Tôi là ai?

Tôi đi tìm tôi đã bao năm qua, nay tôi đã có thể tự trả lời chắc chắn rằng: “Tôi là người Nhật, và trong tôi luôn có một phần yếu tố là người Việt Nam. Phần này thì khá nhiều”.

MỚI - NÓNG