EVN 'ôm' gần 80.000 tỷ đồng nợ ngắn hạn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của EVN được Deloitte kiểm toán cho thấy, tổng số lỗ của công ty mẹ EVN là hơn 26.500 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh hợp nhất chỉ ra EVN lỗ tổng cộng gần 21.000 tỷ đồng, nợ ngắn hạn EVN phải trả là hơn 79.000 tỷ đồng. 

Theo báo cáo tài chính vừa công bố của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2022 doanh thu hợp nhất của EVN đạt hơn 460.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán điện chiếm hơn 98%, đạt trên 450.000 tỷ đồng.

Theo số liệu kiểm toán của Deloitte xác nhận, khoản lỗ gần 21.000 tỷ đồng của EVN xuất phát từ giá bán điện thấp hơn giá mua vào và thể hiện ở phần doanh thu bán điện và giá vốn điện.

“Doanh thu bán điện năm 2022 của công ty mẹ EVN là hơn 370.000 tỷ đồng. Thế nhưng, giá vốn điện lại lên tới hơn 400.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, EVN bán thấp hơn giá vốn tới gần 30.000 tỷ đồng. Năm 2021 giá vốn điện của EVN chỉ ở mức 330.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa năm 2022 EVN đã phải mua điện với giá cao hơn mức giá bán ra. Lý do chủ yếu bởi giá than tăng cao”, báo cáo tài chính của EVN nêu rõ.

EVN 'ôm' gần 80.000 tỷ đồng nợ ngắn hạn ảnh 1
EVN lỗ tổng cộng gần 21.000 tỷ đồng năm 2022.

Đáng chú ý, tập đoàn này đang có số nợ phải trả cho các nhà cung cấp, bán điện khá lớn với tổng số tiền nợ ngắn hạn gần 80.000 tỷ đồng. Số thuế phải nộp các loại hơn 6.323 tỷ đồng. Các khoản vay và nợ dài hạn phải trả lên tới hơn 47 nghìn tỷ đồng.

Trong năm EVN cũng vay thêm từ các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu hoặc chiếm cổ phần chi phối hơn 12.700 tỷ đồng. Tập đoàn cũng trả nợ gốc vay cho các ngân hàng tổng cộng hơn 15.460 tỷ đồng. Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính, EVN đang vay nợ các ngân hàng tổng cộng hơn 97.000 tỷ đồng. “Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong năm của EVN lên tới hơn 3.670 tỷ đồng. Chi phí lãi vay hơn 14.500 tỷ đồng”, báo cáo xác nhận.

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội hồi tháng 5, EVN cũng đưa ra các giải trình về nguyên nhân thua lỗ của tập đoàn trong năm qua. Theo giải trình của EVN, năm 2022, do các thông số đầu vào khâu phát điện năm 2022 tăng đột biến làm giá thành khâu phát điện tăng mạnh, từ 1.506,4 đồng/kWh năm 2021 lên 1.698,45 đồng/kWh năm 2022.

“Với vai trò là người mua duy nhất, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN đã phải mua 80% sản lượng điện năng còn lại từ các nhà máy điện độc lập theo các hợp đồng mua bán điện. Giá điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, với bình quân 1.757,5 đồng/kWh (chưa bao gồm chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ) để cung cấp cho khách hàng”, ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN cho biết.

MỚI - NÓNG
Tổng cục Hải quan bổ nhiệm vụ trưởng mới
Tổng cục Hải quan bổ nhiệm vụ trưởng mới
TPO - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ vừa trao quyết định điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Trần Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh - giữ chức Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Tổng cục Hải quan.