Em phải đến Phần Lan

Em phải đến Phần Lan
TPO - Thói thường người xa xứ thức dậy là cà phê sáng bằng cách điểm báo nhà. Tỉnh ngủ hẳn vì tin “Việt Nam nghiên cứu nhập khẩu chương trình đào tạo của Phần Lan”, “14 lý do tại sao bạn muốn con học trường Phần Lan”. Tình hình này tôi nghĩ số phụ huynh theo trường phái Phần Lan đang tăng ngang ngửa em phải đến “Harvard võ môn” của bà chị Lưu Vệ Hoa đình đám bên Trung Quốc hồi 2001.

Học ở Phần Lan thì sướng rồi. Chỉ bốn ngày đến trường mỗi tuần, còn lại dã ngoại, đi bảo tàng, vào bệnh viện, lên thư viện hoặc khám phá rừng rú. Bạn tôi có con gái 7 tuổi định cư ở Phần Lan kể. Mỗi lớp chỉ 15 trò. Mỗi trẻ một bàn học riêng thiết kế kiểu miếng ghép, thích thì tự kết nhóm ba người xếp chung bàn thành hình hoàn chỉnh. Giờ học được ngồi xoay tứ phía, nằm ườn sofa hoặc lăn lê trên thảm. Trời đẹp cô trò rủ nhau bê sách vở ra bãi cỏ ngồi học. Đến ăn uống ở trường, sách vở cũng miễn phí (nước Bỉ nơi tôi ở không được thế). Trò nào sống cách trường hơn hai cây số trở lên có xe buýt đặc biệt đưa đón. Sự kiện tốt nghiệp cấp hai- tức xong lớp 9 (16 tuổi) còn quan trọng và tưng bừng hơn cả xong đại học, vì tất cả trẻ em phải hoàn thành xong trình độ này rồi chuyển sang học nghề hoặc lên tiếp đại học.

Cha mẹ muốn con theo trường phái Phần Lan tức là cho trẻ sướng ngay và luôn (tương lai chưa chắc đã khổ), còn ai đòi hỏi con kiên trì luyện chưởng Harvard tất nhiên phải khổ trước (sau này có sướng không chưa biết).

Nhưng mong muốn nhập khẩu cả chương trình đào tạo bậc tiểu học, phổ thông, đại học của Phần Lan cụ thể thế nào? Nôn nóng luyện kiểu đi tắt đón đầu, áp dụng mà không điều chỉnh, tôi sợ dễ lại lạc trôi, thầy- trò vẫn không thuộc về nhau. Chưa kể đường đã phát quang, minh sư đã tụ về hay chưa. Lấy ví dụ định nghĩa “trung thực” dưới đây để ngẫm ngợi. Mấy ngày trước, đồng nghiệp cũ của tôi ở Sài Gòn kể chuyện mất ngủ vì con gái học lớp 7 (trường công) về nhà nói “Mẹ, bày cho con làm bài này. Cô dạy môn Giáo dục công dân nói về nhà viết bài so sánh trung thực thật- trung thực giả. Mẹ sửng sốt “Sao lại có trung thực thật với trung thực giả? Duy nhất khái niệm trung thực và trái nghĩa với trung thực là giả dối. Con phải tìm hiểu khái niệm trung thực là gì, sau đó phân biệt với giả dối”. “Con sợ làm lạc đề, không đủ ý”. “Tại sao lại lạc đề, con phải làm như con hiểu chứ?” “Nhưng con làm như con hiểu sẽ không giống cô! Tuần trước con làm theo ý con, cô cho 5 điểm. Tuần này chắc cũng vậy.”

Có thể người thầy môn Giáo dục công dân có ý so sánh hiện tượng hơn là khái niệm. Nhưng rắc rối lại nảy sinh, một bà mẹ khác khuyên đồng nghiệp cũ của tôi “Con mình cũng ở tình huống tương tự.  Nên mình cho con viết 2 bài: bài nộp cô ở trường, bài viết tự do để nhà.”

Tình huống này khiến tôi nhớ lại hồi ghé thăm người bạn gốc Việt ở Thụy Điển- láng giềng với Phần Lan. Con trai của bạn sang đây nhập học luôn lớp 9 trường quốc tế. Có dạo bố mẹ mải đi làm, con thức khuya dậy muộn bỏ cả buổi thi. Nhắn tin xin lỗi, thầy không trách mắng, chỉ nói bố trí buổi khác thi lại. Nhưng họ thực sự làm to chuyện này “Một hôm cô giáo gọi tôi lên trao đổi riêng. Đưa ra bài luận của con trai, dày năm bảy trang giấy, trình bày sáng sủa, cô giáo nghiêm giọng: Chủ yếu sưu tầm, cóp nhặt tài liệu trên internet, chẳng có suy nghĩ riêng. Không được phép học như vậy. Thứ chúng tôi mong đợi ở cháu có khi chỉ vài chục dòng thôi, chính kiến của mình, dù ngây ngô vẫn hoan nghênh. Đó là cách để giáo viên tiếp cận từng trò và cùng tìm ra phương thức học hiệu quả nhất.” Trên bàn ăn lúc ấy đặt sẵn cuốn vở của con gái đang học lớp 3, tiện tay bạn giở cho tôi xem: Đây, trong khi cô em phải làm văn, đến đoạn tả chiếc áo đẹp thế nào thì bí từ, vẽ luôn chiếc áo ra vở, cô giáo vẫn chấp nhận.

Nói đến bài làm văn, học trò xưng “tôi” khi thể hiện chính kiến, giáo viên dạy văn ở trường ta có dễ dàng chấp nhận không? Hay cứ phải “em” hoặc “chúng ta” cho vừa khuôn an toàn. Tôi nghĩ đó cũng là vấn đề cần chuẩn bị kỹ trước khi nhập khẩu nguyên gói giáo dục ở các nước tiên tiến vào Việt Nam.

Nhân năm học mới, có giáo viên ở Bỉ tâm sự cảm thấy áp lực khi phải đóng vai solo trên bục giảng- “giáo sư biết tuốt”. Còn việc thầy trò cùng tìm phương thức tiếp nhận và mở rộng kiến thức, công việc trở nên thú vị hơn nhiều. Nele Kempenaer- giáo viên tiếng Anh trường Sint- Jozefinstituut tại Kontich và cũng là giảng viên khoa sư phạm tại ĐH Antwerp của Bỉ, tham gia tổ chức Giáo viên không biên giới (từng đến Burundi trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ đồng nghiệp địa phương) tâm sự với báo chí “Chúng tôi đem những phương pháp giáo dục chú trọng thực hành giới thiệu với đồng nghiệp ở Burundi mà không nghĩ thông suốt họ sẽ áp dụng thế nào trong điều kiện vật chất cực kỳ thiếu thốn như vậy. Nhưng họ luôn tìm ra cách để tiến lên. Đến lượt chính tôi được detox về tinh thần trước những sáng tạo của giáo viên Burundi: không nên dựa dẫm quá nhiều vào công nghệ, hãy trở về với giáo dục cơ bản và tập trung tương tác thật nhiều với học trò.”

MỚI - NÓNG