Bà Kim Yo Jong. (Ảnh: Reuters) |
Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao chính thức với Nhật Bản. Ông Kishida cho biết đang cân nhắc khả năng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên để giải quyết vấn đề các công dân Nhật Bản bị bắt cóc trong những năm 1970 và 1980.
Bà Kim Yo Jong, phó trưởng ban tuyên truyền của đảng Lao động cầm quyền, nói rằng phát biểu của Thủ tướng Kishida có thể coi là tích cực nếu muốn thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
“Nếu Nhật Bản… đưa ra quyết định chính trị nhằm mở ra con đường mới để cải thiện quan hệ dựa trên sự tôn trọng nhau, quan điểm của tôi là hai nước có thể mở ra một tương lai mới”, KCNA dẫn lời bà Kim Yo Jong.
Nhật Bản chỉ trích việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, và thường vấp phải phản ứng gay gắt từ Bình Nhưỡng, nhất là khi Tokyo tăng cường liên minh an ninh với Hàn Quốc và Mỹ.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết, Tokyo lưu ý phát biểu của bà Kim Yo Jong, nhưng không bình luận thêm.
Ông Hayashi cho biết, Nhật Bản không thể chấp nhận quan điểm của Triều Tiên rằng vấn đề bắt cóc đã được giải quyết.
“Quan điểm của chúng tôi về các vấn đề cần giải quyết toàn diện (với Triều Tiên), như bắt cóc, vũ khí hạt nhân và tên lửa vẫn như vậy”, ông Hayashi cho biết.
Bà Kim nói thêm rằng quan điểm của bà là cá nhân, và theo hiểu biết của bà, các lãnh đạo Triều Tiên chưa có kế hoạch cụ thể nào về xây dựng quan hệ hay liên lạc với Nhật Bản.
Bà Kim được coi là trợ lý thân cận nhất cho Chủ tịch Kim Jong Un về các vấn đề đối ngoại.
Bà Jung Pak, quan chức cấp cao Mỹ về Triều Tiên, nói với báo chí rằng Washington ủng hộ bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào với chính phủ ở Bình Nhưỡng. Từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền năm 2021, Triều Tiên không phản hồi nhiều lời đề nghị của Mỹ về việc đàm phán không cần điều kiện tiên quyết.
“Họ đóng cửa biên giới từ tháng 1/2020 và chúng tôi ủng hộ… bất kỳ hoạt động ngoại giao nào ở đó”, bà Pak nói trong cuộc họp cung cấp thông tin tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
“Bất kỳ hoạt động ngoại giao nào mà Triều Tiên làm, không phải với Nga, đều là điều tích cực”, bà Pak nói thêm.
Một quan chức Mỹ khác cho biết, Washington muốn Nhật Bản bảo đảm rằng nước này đã “xử lý suôn sẻ” với Hàn Quốc về cuộc gặp có thể diễn ra giữa ông Kim và ông Kishida.
Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy sự phối hợp chính sách ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc về Triều Tiên và các vấn đề an ninh khác.
Bà Pak cho biết, bà không thể khẳng định việc Triều Tiên sẵn sàng đối thoại với Nhật Bản có liên quan đến quyết định gần đây của Seoul về việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba hay không.