Đường Thơ và… thời tiết ngày Thơ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày thơ Việt Nam đã sang tuổi 22. Nhiều lời tán dương từ người trong và ngoài giới văn chương dành cho sự lựa chọn chủ đề ngày thơ bất ngờ và ý nghĩa của Hội Nhà văn Việt Nam: Bản hoà âm đất nước. Với thông điệp đại đoàn kết dân tộc, lần đầu tiên sau hơn 20 mùa hội, thơ ca các dân tộc thiểu số được tôn vinh.

Cẩn thận nhưng vẫn bị “soi vết”

Thơ thả lên giời sau những tranh luận, không xuất hiện trở lại ở Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, tại Hoàng Thành Thăng Long. Nhưng “Đường Thơ” vẫn sống.

Dạo trên “Đường Thơ”, khán giả gặp nhà thơ dân tộc Thái Lò Cao Nhum với 4 câu thơ trong bài “Rượu núi”, một thi phẩm khá quen thuộc của anh: “Rượu nhà tôi/Rượu buộc chỉ cổ tay/Thắp lửa tình chiêng, tình trống/Đã uống vắt kiệt chum mà uống/Đã say đổ tràn tình mà say”. Lại gặp Mã A Lềnh tự hào giới thiệu về dân tộc mình: “Con dao bên hông, cây khèn treo vách thầm thì hi vọng/Người Hmông tôi đồng điệu với Zigan…”. Và bồi hồi trước hai câu thơ của Lâm Quý (1947- 2007), nhà thơ hiếm hoi của dân tộc Cao Lan: “Quả ớt dù cay cũng ăn cả vỏ/Quả chuối dù ngọt phải bỏ vỏ ngoài…”.

Nhà thơ Tày Y Phương xa rời nhân thế vài năm nay nhưng câu thơ của ông vẫn sống: “Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con/Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương…”. Trên “Đường Thơ” không thể thiếu những câu thơ hay của các nhà thơ dân tộc Kinh. Cố nhạc sĩ, nhà thơ Văn Cao với những câu thơ nổi tiếng: “Từ trời xanh/Rơi/Vài giọt Tháp Chàm…”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều góp vào “Đường Thơ” bằng hai câu thơ được đánh giá đặc sắc nhất trong bài “Đêm trên sân ga”: “Biên giới giờ này đạn giặc xoáy vào đêm/Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt”…

Đường Thơ và… thời tiết ngày Thơ ảnh 1

Nhà thơ người Kinh - Nguyễn Phúc Lộc Thành đọc thơ

Tiêu chí nào để lựa chọn thơ trên “Đường Thơ” năm nay là băn khoăn của không ít khán giả. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đảm đương chọn thơ trên “Đường Thơ” cho biết: “Âm hưởng chung là chọn thơ của các nhà thơ miền núi, những nhà thơ sinh ra ở miền núi, sống ở miền núi. Hoặc các nhà thơ người Kinh viết về miền núi”. Tất nhiên những câu thơ được chọn phải đáp ứng tiêu chí: Hay.

Ông nói tiếp: “Theo tôi, thơ hay là tạo ấn tượng nào đó cho người đọc, mang đến cho người đọc một sự phát hiện về vẻ đẹp đời sống, văn hoá… hay cách nói, cách cảm mới”.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ thêm, công việc chọn thơ trên “Đường Thơ” khó khăn và mất khá nhiều thời gian, bên cạnh ông còn có nhiều nhà thơ thuộc nhiều trường phái thơ hỗ trợ. Không có chuyện thơ được chọn ẩu, qua loa. Nhưng có khán giả cho rằng: Một số câu thơ trên “Đường Thơ” tuy hay nhưng quen thuộc quá, không tạo háo hức cho người thưởng thức. Thí dụ câu thơ của cố nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) trong thi phẩm đi vào sách giáo khoa: “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Có người còn phát hiện lỗi và đặt câu hỏi: Tại sao “cồn mây” trong thơ Quang Dũng bỗng được viết hoa ở “Đường Thơ”, (thành “Cồn Mây”)? Vì “cồn mây” không phải địa danh như Mường Lát, Mai Châu…

Lại có khán giả thương cho câu thơ của Hoàng Anh Tuấn, đã bị chắp 2 câu thành một, lại còn bị bỏ mất một chữ: “Giọt tính tẩu em cất chảy tràn chum sâu…”. Được biết, đoạn thơ của tác giả như sau: “Ngô trên nương cởi áo/Lúa dưới ruộng cúi đầu/Giọt tính tẩu em cất/Chảy đầy tràn chum sâu”.

Trước thềm Ngày Thơ Việt Nam nhà thơ Trần Đăng Khoa tiết lộ: “Chúng tôi không “nhảy” ra đọc thơ đâu, trừ nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành được giải thơ năm nay. Dành sân chơi cho các nhà thơ dân tộc thiểu số”.

Không ít ý kiến phân vân, đành rằng Nguyễn Phúc Lộc Thành vừa chiến thắng giải thơ với tập “Đồng sen tàn”, song để anh “gánh” vinh dự này có quá sức không? Vì danh chính ngôn thuận, đây là đại diện cho người dân tộc đa số. Còn nữa, ngay lối vào “Đường Thơ” có những câu: “Thơ ca là ngũ cốc trên cánh đồng người”; “Thơ ca không làm ra lúa vàng gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng” khiến một số khán giả ngẩn ngơ, không biết tác giả là ai? Phóng viên hỏi nhà thơ Trần Đăng Khoa mới tìm được đáp án: Là của “người Làng Chùa”. Thế mà không ghi rõ để cho bao người đoán già, đoán non.

Đường Thơ và… thời tiết ngày Thơ ảnh 2

“Cồn Mây” bỗng nhiên được viết hoa

Xu hướng “sân khấu tạp kỹ”?

Ngày thơ Việt Nam diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ngay tại Hà Nội, có hai địa điểm được người yêu thơ tìm đến: Hoàng Thành Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức Ngày Thơ Việt Nam ở Hoàng Thành Thăng Long. Còn Văn Miếu - Quốc Tử Giám diễn ra Ngày Thơ Hà Nội do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức. Khi Ngày Thơ Hà Nội khép lại, một số ý kiến nhận xét: Giống như sân khấu tạp kỹ. Họ nói vậy có lẽ bởi chương trình có cả múa trống, múa lân, múa rồng của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Trung Ương chăng? Hay bởi chương trình quy tụ nhiều tên tuổi của làng chèo như NSND Quốc Chiêm, NSND Thanh Ngoan…?

Nhưng rõ ràng, xu hướng “sân khấu tạp kỹ” như cách nói của một số người hiện nay đã có từ trước và vẫn đang lan toả. Tại Hoàng Thành Thăng Long, một số trích đoạn tiêu biểu trong kho tàng văn học dân tộc thiểu số cũng được tái hiện như “Đẻ đất đẻ nước” (Sử thi Mường), “Tiễn dặn người yêu” (truyện thơ của người Thái)… Đặc biệt then “Bách hoa, bách điểu” được trình bày bởi một nghệ nhân ưu tú.

Ngay tại Tuyên Quang, nhà thơ Thèn Hương, dân tộc Nùng cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức ngày thơ ở quy mô lớn tại Trường Đại học Tân Trào, trường đại học duy nhất ở Tuyên Quang. Một số bài thơ của các nhà thơ dân tộc thiểu số được phổ nhạc cũng được trình bày. Chúng tôi kết hợp thơ, nhạc, múa dân tộc để chương trình hấp dẫn, sinh động”. Thèn Hương bật mí: Chương trình có sự tham gia của biên đạo múa chuyên nghiệp, từng giành nhiều giải thưởng nên nhiều màn múa được dàn dựng công phu, độc đáo, được khán giả vỗ tay không dứt.

Để các nhà thơ tự đọc thơ, không cần đến âm nhạc, múa phụ hoạ lại đơn giản và tiết kiệm chi phí cho ban tổ chức nhưng liệu chỉ có một “món” thơ thuần tuý, khán giả có tới với ngày thơ đông hơn? Không ai dám chắc.

Đường Thơ và… thời tiết ngày Thơ ảnh 3

Những chiếc ghế trống khán giả tại đêm thơ Hoàng Thành Thăng Long

Ngày Thơ Việt Nam do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long không có khoảng riêng cho thơ của câu lạc bộ. Còn ở Ngày Thơ Hà Nội, thơ câu lạc bộ vẫn có không gian. Điều này cũng gây nên một số tranh luận: “Hội Nhà Văn Việt Nam phân biệt, đẩy mấy câu lạc bộ quần chúng dân gian ra phía ngoài, chỉ dành sân cho thơ “bác học”. Nhưng theo tôi, thơ phải hoà đồng, nó là một thứ vui ấy mà. Thơ “bác học” với thơ “nhân dân” phân biệt làm gì?”, ý kiến của một nhà thơ chuyên nghiệp.

Đường Thơ và… thời tiết ngày Thơ ảnh 4

Hoạ tiết thổ cẩm được sử dụng trang trí ở Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Hoàng Thành Thăng Long

Mưa, rét, bận cúng rằm…

Một nhà phê bình văn học Việt từng nhắc tới một ngày người đọc sẽ cần thơ hơn cần cơm. Chắc ngày đó vẫn còn xa lắm. Chỉ nhìn ở Hoàng Thành Thăng Long đủ thấy. Ngay sát ngày hội, Hà Nội trời bỗng nhiên trở rét, mưa lay phay. Đã thế, “Tết cả năm không bằng rằm tháng Giêng” nên không khí trong buổi sáng của ngày hội khó nô nức như mong muốn của Ban Tổ Chức, cho dù khán giả được tự do ra vào, không mất vé.

Nguyễn Sĩ Khánh Linh, một độc giả yêu thích văn chương Việt, bày tỏ: “Tôi thấy chủ đề của Ngày thơ Việt Nam năm nay hay. Kể ra, nếu rảnh và trời khô ráo thì cũng đến xem có gì khác với các năm trước không. Nhưng trời mưa rét, lại bận cúng rằm, nên cũng giảm hứng thú. Thôi, ở nhà theo dõi tin tức là được”. Một nhà thơ chuyên nghiệp có tên cũng lỗi hẹn với Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 với lí do tương tự: Mưa, rét, bận cúng rằm. Nhà thơ dân tộc Tày Dương Thuấn cũng có thơ ở “Đường Thơ”: “Bây giờ ngựa về tàu khác/Một mình anh ôm câu hát/Đi tìm bóng núi ngày xưa…”. Khá bất ngờ, khi Dương Thuấn không dành thời gian tới Hoàng Thành Thăng Long.

Đường Thơ và… thời tiết ngày Thơ ảnh 5

Những câu không chú thích tác giả ở Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Hoàng Thành Thăng Long

Nhưng cũng có những nhà thơ chuyên nghiệp ở tỉnh lẻ, như nhà thơ Ngọc Thái ở Hưng Yên, đã không quản đường xa, mưa gió đến Hoàng Thành Thăng Long, chăm chú đọc từng câu thơ trên “Đường Thơ” và bình luận sôi nổi. Nhà thơ nhiệt tình góp mặt ở cả Hoàng Thành Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính là người mang biệt danh “Ham Vui”.

Có lẽ ông cũng là nhà thơ có mặt đầy đủ ở Ngày Thơ Việt Nam trong hơn 20 năm qua, bởi Trần Nhương đến đây để nhận lì xì năm mới, bằng cách chọn một góc ngồi vẽ chân dung của đồng nghiệp và khán giả. Có nhà thơ bình luận: Lão Trần Nhương mê Ngày Thơ Việt Nam nhất Việt Nam!

Cần tôn vinh dài hơi

Nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam đánh giá chủ đề của Ngày Thơ Việt Nam năm nay: “Đây là cái mới. Bởi ở mảng văn học các dân tộc thiểu số nói chung, thơ các dân tộc thiểu số nói riêng thì nhiều năm nay chưa được chú ý nhiều, dù có không ít gương mặt tiêu biểu nổi lên trong những năm tháng qua, chưa kể những nhà thơ đã làm nên tên tuổi của mình như Y Phương, Inrasara…”.

Nhà thơ Thèn Hương có chung cảm xúc: “Chúng tôi rất vui. Vì thơ ca các dân tộc thiểu số ít được chú ý và không ít người nghĩ chúng ngô nghê. Thực chất tiếng Kinh là ngoại ngữ của chúng tôi, chúng tôi đã cố gắng hết sức lại được tôn vinh nữa thì thấy vui, tạo nguồn cảm hứng sáng tác mới”.

Nhưng sau Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22, thơ ca các dân tộc thiểu số còn được dành vị trí trang trọng? Làm thế nào để văn chương các dân tộc thiểu số đến gần hơn nữa với độc giả cả nước vẫn là câu hỏi lớn.

MỚI - NÓNG
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
TPO - Thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư tiếp tục thận trọng sau kỳ nghỉ lễ. Không còn kỳ vọng giao dịch bùng nổ từ việc vận hành hệ thống mới, thực tế KRX thêm lần lỡ hẹn gây thất vọng với thị trường. Trong khi đó, nhóm ngành điện, bất động sản khu công nghiệp bất ngờ giao dịch tích cực.