Đừng để nhờn luật

Đừng để nhờn luật
TP - Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường gồm 4 chương với 63 điều vừa chính thức có hiệu lực vào ngày 1/2/2017 tức mùng 5 Tết Đinh Dậu. 

Đáng chú ý, có một quy định tại khoản 1 điều 20 của Nghị định này, về lý sẽ tác động mạnh tới mọi công dân, đó là phạt rất nặng hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. 

Cụ thể như vứt đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định - Phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; tiểu tiện, đại tiện bậy bạ - Phạt 1 triệu đến 3 triệu đồng; xả rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng – Phạt 3 triệu đến 5 triệu đồng; đặc biệt nếu xả rác sinh hoạt “trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị” thì mức phạt sẽ tăng lên từ 5 đến 7 triệu đồng.

Rõ ràng đây là một mức xử phạt rất nặng và nghiêm khắc đối với các hành vi ứng xử kém văn hóa, thiếu ý thức đối với môi trường và cộng đồng. Điều này cũng cho thấy quyết tâm dùng chế tài mạnh của chính phủ và những nhà lập pháp nhằm nâng cao ý thức của người dân trong xã hội. Đây không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là một lối sống có kỷ luật, có trách nhiệm với cộng đồng trong xu thế hội nhập sâu rộng với thế giới văn minh.

Thế nhưng, theo khảo sát của PV Tiền Phong vào chiều mùng 6 Tết, thời điểm hiệu lực pháp luật của NĐ 155 đã có hiệu lực được 1 ngày, hầu hết người dân được hỏi quanh khu vực Hồ Gươm vẫn không hề hay biết chế tài nghiêm khắc trên. Trên thực tế, nhiều người vẫn không hề chùn tay khi vứt rác ra đường, dúi vào chân cột điện, thậm chí lẳng lặng để ngay trước cửa nhà người khác… Những gốc cây, cột điện, bờ tường nơi góc khuất, dù ngay giữa đô thị, vẫn không khó bắt gặp cảnh tượng khó coi, bốc mùi xú uế mỗi khi đi qua.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi chắc chắn không ai ảo tưởng rằng chỉ với một quy định pháp luật trên giấy sẽ lập tức điều chỉnh được những hành vi, thói quen xấu trong xã hội. Thế nhưng, ngược lại, một khi lực lượng thực thi pháp luật không kiên quyết hành động, không tuyên truyền sâu rộng, không buộc những công dân coi thường luật pháp phải chùn tay, thì pháp luật sẽ khó đi được vào cuộc sống, khó điều chỉnh được hành vi của con người trong xã hội.

Hãy nhìn sang Singapore, chắc chắn không có người Việt Nam nào đặt chân sang đất nước này dám ngang nhiên vứt đầu mẩu thuốc lá ra đường, bởi nơi đây nổi tiếng về sự nghiêm minh của pháp luật. Bởi vậy, rất mong các quy định rất chi tiết của NĐ 155 về phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không chỉ nằm trên giấy, mà phải được thực thi triệt để trên thực tế. Bởi một xã hội văn minh là một xã hội luôn phải thượng tôn pháp luật!

MỚI - NÓNG