Chủ tịch Hội hữu nghị Nga - Việt:

Dư luận quốc tế buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp

Ngày 14/5, tàu Hải cảnh của Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào mạn tàu CSB 2016 của Việt Nam. Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam
Ngày 14/5, tàu Hải cảnh của Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào mạn tàu CSB 2016 của Việt Nam. Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam
TP - GS Vladimir Buianov, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt, Giám đốc Học viện Kinh tế và Pháp luật Mátxcơva, khẳng định, Trung Quốc đã xâm phạm vùng chủ quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm UNCLOS; sức mạnh của dư luận quốc tế có thể buộc Trung Quốc thực hiện theo luật pháp quốc tế.

“Với tư cách đại diện kênh đối ngoại nhân dân của Liên bang Nga, tôi rất ủng hộ nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình theo luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”. GS Vladimir Buianov chia sẻ như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 14/5 tại Hà Nội, nhân lễ ký kết các văn bản với Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về việc thành lập Đại học Nhân văn Nga -Việt. Trường này sẽ đào tạo sinh viên hai nước trong các chuyên ngành xã hội nhân văn và kỹ thuật.

Với tư cách Giám đốc Học viện Kinh tế và Pháp luật Mátxcơva, ông đánh giá thế nào về việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 cùng nhiều tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam?

Về vấn đề pháp lý, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Việt Nam. Luật pháp quốc tế quy định những nước ven biển có đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý. Nếu ai đó xâm phạm vào vùng đó là xâm phạm vùng chủ quyền kinh tế của một nước khác.

Dư luận quốc tế buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp ảnh 1

GS Vladimir Buianov nói rằng, nên đưa vụ Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: Trúc Quỳnh

Hiện nay trên thế giới, do trình độ phát triển, rất nhiều nước có hạm đội và đội tàu phát triển mạnh. Vì thế, an toàn hàng hải là vấn đề rất quan trọng với các nước. Dưới khía cạnh pháp luật, phải dựa trên UNCLOS để giải quyết tất cả các vấn đề. Việt Nam rất có trách nhiệm và uy tín trong ASEAN, vì thế Việt Nam nên sử dụng uy tín của mình để động viên dư luận quốc tế, buộc Trung Quốc phải thực hiện theo luật pháp quốc tế.

Nỗ lực chung của các nước ASEAN, Nga và trong trường hợp này là cả Mỹ sẽ buộc Trung Quốc phải ngồi vào vòng đàm phán và giải quyết sự việc này bằng biện pháp hòa bình. Những công việc Việt Nam thực hiện trong những ngày gần đây rất đúng đắn, đặc biệt là dư luận trong nước và việc động viên dư luận quốc tế để chống lại hành động của Trung Quốc và để sự việc không phát triển khó lường, vượt quá giới hạn.

Theo ông, Việt Nam nên làm gì nếu những biện pháp đấu tranh hiện nay không có tác dụng, Trung Quốc không rút giàn khoan của họ về?

Trung Quốc đã đưa giàn khoan vào rồi thì rất khó rút ra. Việt Nam cần phối hợp với tất cả các bên bằng mọi biện pháp để buộc Trung Quốc phải rút. Để có hiệu quả và nhanh, tôi nghĩ rằng, nên đưa vụ việc ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đưa ra tòa án phải kéo dài hàng năm với nhiều rất thủ tục.

Nga đẩy mạnh hợp tác với Đông Nam Á

Đại diện chính phủ nhiều nước đã lên tiếng thể hiện quan điểm về các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông, nhưng phía Nga chưa có bình luận chính thức nào. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

Tôi chưa biết chính phủ Nga có tuyên bố chính thức chưa, nhưng tôi được biết, trong chuyến thăm gần đây tới Việt Nam, tại các buổi hội đàm, gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã bày tỏ mong muốn tranh chấp ở các khu vực trên thế giới nói chung, Đông Nam Á nói riêng cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.

Quan điểm của lãnh đạo Nga là vẫn coi Việt Nam là đối tác chiến lược. Hiện nay, hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam và Nga đang phát triển tốt. Chúng tôi đang cung cấp tàu ngầm, máy bay, hệ thống phòng không… cho Quân đội nhân dân Việt Nam để giúp các bạn bảo vệ Tổ quốc của mình. Nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ có điều kiện để giải quyết bằng biện pháp hòa bình.

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo, từ ngày 4 đến 12/5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc sang thăm Bolivia, Venezuela và Colombia, nhằm củng cố quan hệ hữu nghị, tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với ba nước Mỹ Latin và Caribbean. Lãnh đạo và các cơ quan hữu quan của những nước này đều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động gây căng thẳng trên biển Đông, nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua đối thoại hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Quan hệ kinh tế giữa Nga với Trung Quốc cũng như Trung Quốc với Việt Nam rất lớn và rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng, để chính quyền đưa ra quan điểm của mình, cần có nhiều yếu tố. Các bạn cần hiểu chúng tôi đang tập trung vào Ukraine vì nước này đang có nguy cơ xảy ra nội chiến. Tôi nghĩ rằng, sắp tới sẽ có phát biểu chính thức từ phía Nga.

Vừa rồi tôi có đọc thông báo của Thủ tướng Dmitry Medvedev rằng, trong tình hình hiện nay, đặc biệt qua sự kiện Ukraine, Nga cần đẩy mạnh hợp tác với các nước Đông Nam Á.

Trong vấn đề này, Hội Hữu nghị Nga - Việt có những hoạt động cụ thể gì?

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của các bạn, làn sóng biểu tình của các tổ chức xã hội đã góp phần buộc Mỹ giảm hành động phiêu lưu, rồi cuối cùng chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán để ký kết các hiệp định kết thúc chiến tranh. Chúng tôi là tổ chức hữu nghị, chúng tôi sẽ ủng hộ Việt Nam trong quyền hạn của chúng tôi.

Nhưng tôi xin lưu ý rằng, trong tình hình hiện nay, có nhiều thế lực muốn lợi dụng tình hình để phá hoại quan hệ và tình đoàn kết giữa Nga với Việt Nam.Việt Nam đang có uy tín rất lớn ở ASEAN, nhưng nếu không thể giải quyết vấn đề này, uy tín của Việt Nam sẽ giảm sút. Tình hình ở Ukraine cũng bị lợi dụng như vậy. Vì thế, không nên nhìn một chiều về các tuyên bố.

Vậy theo ông, nên nhìn nhận thế nào về cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc sắp diễn ra?

Kế hoạch về cuộc tập trận Nga và Trung Quốc đã được đề ra từ trước. Tình hình hiện nay đặt nước Nga vào tình thế rất khó xử. Nga là đối tác chiến lược với cả Trung Quốc và Việt Nam, nên có những thế lực muốn thông qua sự kiện như thế này để xúi giục các nước bạn bè đụng độ với nhau, làm tình hình càng phức tạp hơn.

Chúng tôi rất mong muốn sự việc được giải quyết hòa bình, không ai được lợi nếu sử dụng vũ lực. Quan điểm của chúng tôi về vấn đề này là giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Cũng có thể thông qua cuộc tập trận này, Nga có thể chỉ cho Trung Quốc thấy sức mạnh quân sự của họ thực sự đến đâu.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.