Dự án xử lý nước thải cụm công nghiệp ở Hà Nội: 'Đắp chiếu' ai chịu trách nhiệm?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hàng loạt nhà máy xử lý nước thải được xây dựng với mục tiêu bảo vệ môi trường cho các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội nhưng đã không phát huy được hiệu quả, đắp chiếu khiến lãng phí nhiều tỷ đồng.

Ghi nhận của PV tại trạm xử lý nước thải tập trung xứ đồng Mô Cối, phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) cho thấy, trạm đang để hoang hóa sau nhiều năm không sử dụng. Trạm được xây dựng với mục đích xử lý nước thải từ sản xuất công nghiệp tại Cụm tiểu thủ công nghiệp Phú Thịnh.

Trạm xử lý nước thải này được đầu tư 6 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, hoàn thành năm 2015 nhưng chưa đưa vào sử dụng. Hiện tại, các hạng mục như ống nước, bể chứa đều đã xuống cấp do để không từ nhiều năm nay. Theo nhiều người dân phản ánh, nhà điều hành bỏ hoang, trước đây được tận dụng làm nơi cách ly người mắc COVID-19.

Dự án xử lý nước thải cụm công nghiệp ở Hà Nội: 'Đắp chiếu' ai chịu trách nhiệm? ảnh 1

Trạm xử lý nước thải tập trung tại Cụm tiểu thủ công nghiệp Phú Thịnh bỏ hoang nhiều năm

Trạm xử lý nước thải tập trung Cụm công nghiệp Tân Triều (huyện Thanh Trì) được thiết kế với công suất 500m3/ngày đêm. Chủ đầu tư xây dựng trạm này là UBND huyện Thanh Trì. Sau khi xây dựng xong đã bàn giao cho Cty TNHH Đầu tư và phát triển xây dựng quản lý, vận hành. Do không đủ năng lực quản lý, vận hành; không bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến trạm xử lý nước thải này hư hỏng, xuống cấp.

Tại Cụm tiểu thủ công nghiệp Liên Hà (huyện Đan Phượng), trạm xử lý nước thải nằm ngay đường vào cụm công nghiệp. Ngôi nhà điều hành 2 tầng đã bỏ hoang nhiều năm. Các hạng mục bể lọc, lắng khô hạn chỉ còn bùn đất, lan can công trình gỉ sét. Do bỏ hoang nên bên trong trạm được người dân tận dụng làm nơi nuôi gà.

Yêu cầu các địa phương báo cáo

Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Cụm tiểu thủ công nghiệp Phú Thịnh được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2013, vốn đầu tư xây dựng được lấy từ ngân sách thành phố và chủ đầu tư cụm công nghiệp. Lý giải về trạm xử lý nước thải này bị bỏ hoang, đại diện Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây cho biết, cụm có 3 doanh nghiệp xả thải ra môi trường. Nhưng nay 1 doanh nghiệp không hoạt động, 1 doanh nghiệp đã tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải, 1 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng nên gần như không có nước thải đầu vào. “Đầu tư trạm xử lý nước thải ở đây chưa hiệu quả”, đại diện Phòng Kinh tế thừa nhận.

Về trạm xử lý nước thải tập trung Cụm công nghiệp Tân Triều, đại diện UBND huyện Thanh Trì cho biết, để vận hành trạm xử lý nước thải hiệu quả, huyện đã có văn bản đề xuất cho phép đấu nối nước thải từ Cụm công nghiệp vào Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá cách đó không xa. Sau khi dự án đi vào hoạt động, sẽ xử lý được tình trạng ô nhiễm tại cụm công nghiệp này.

Đối với trạm tại Cụm tiểu thủ công nghiệp Liên Hà, ông Nguyễn Viết Thái, Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Đan Phượng cho biết, hệ thống được đầu tư hơn 4 tỷ đồng, trong đó hơn 2 tỷ đồng đầu tư xây lắp, 2 tỷ đồng còn lại là lắp đặt thiết bị. Lý giải hệ thống này không đưa vào sử dụng, ông Thái cho biết, Cụm tiểu thủ công nghiệp không có nước thải và hệ thống thu gom nước thải, chỉ có hệ thống xử lý nước sinh hoạt. Do đó, huyện không đưa hệ thống xử lý nước thải vào vận hành, đồng thời xin thành phố Hà Nội không lắp đặt thiết bị xử lý nước thải. “Đề án do Sở Công Thương đề xuất triển khai, huyện chỉ thực hiện”, ông Thái nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Công Thương Hà Nội thừa nhận việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn đang hiệu quả thấp. Việc này liên quan đến cơ chế quản lý, vận hành của từng đơn vị. Ngoài ra, sau đợt COVID-19 vừa qua, tình hình sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp khó khăn, do đó để thu phí xử lý nước thải tập trung lại gặp vướng mắc.

“Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các địa phương tổng hợp, báo cáo về hiệu quả xử lý nước thải của từng trạm xử lý nước thải. Từ đó có giải pháp phù hợp để vận hành hiệu quả các trạm xử lý nước thải”, đại diện Sở Công Thương cho biết.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, tính đến hết năm 2021 thành phố đã xây dựng 6 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất khoảng 276.300 m3/ngày đêm đáp ứng được khoảng 28,8% tổng lưu lượng nước thải phát sinh. Đối với xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp, hiện 9/9 khu công nghiệp đang hoạt động đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung; có 26/43 cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung.

MỚI - NÓNG