ÐT Việt Nam và cuộc chiến trong khung gỗ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo kế hoạch chuẩn bị cho AFF Cup 2022, đội tuyển Việt Nam sẽ tập trung ngày 17/9 tới sau khi hết giai đoạn 1 Night Wolf V-League 2022. Mặc dù danh sách triệu tập chưa được công bố, song cuộc đua khốc liệt ở vị trí thủ môn đã mở ra.
ÐT Việt Nam và cuộc chiến trong khung gỗ ảnh 1

Loạt thủ môn được HLV Park Hang-seo triệu tập trong vòng 1 năm qua

Ở lần triệu tập gần nhất cách đây 2 tháng rưỡi, HLV Park Hang-seo đã gọi lên tuyển 3 thủ môn, gồm Đặng Văn Lâm (Cerezo Osaka), Vũ Tuyên Quang (Bình Định) và Nguyễn Tuấn Mạnh (Đà Nẵng). Trong trận gặp Afghanistan sau đó, Văn Lâm không những được tin tưởng bắt chính mà còn đeo băng đội trưởng. Vẫn chắc chắn như thường lệ, thủ thành 29 tuổi có 4 pha cứu thua xuất sắc, bên cạnh những tình huống ra vào hợp lý để giải nguy.

Hầu hết đều thừa nhận, bằng tài năng và tâm lý vững vàng, Văn Lâm mang đến sự tin tưởng cho vị trí gác đền vốn gây ám ảnh ở tuyển trong một thời gian dài. Vấn đề của thủ môn sinh ra tại Nga chỉ là anh thi đấu quá ít, chỉ 2 trận ở các giải Cúp trong suốt 20 tháng khoác áo Cerezo Osaka. Đây cũng chính là lý do khiến Văn Lâm quyết định hồi hương, đầu quân cho CLB Bình Định với bản hợp đồng có thời hạn 3,5 năm.

Việc Bình Định luôn khao khát có một thủ môn đẳng cấp trong đội hình đồng nghĩa với việc Văn Lâm sẽ là lựa chọn số một của họ trong khung gỗ. Tuy nhiên với đội tuyển thì chưa chắc. Trận đấu với Afghanistan chỉ mang tính chất giao hữu, một dịp để HLV Park Hang-seo thử nghiệm các nhân tố mới và thủ quân Đỗ Hùng Dũng không ra sân.

Trong số 9 thủ môn được HLV Park Hang-seo triệu tập trong vòng 1 năm qua, Nguyên Mạnh là người kinh nghiệm nhất với 32 trận bắt chính cho ÐTVN. Văn Lâm đứng thứ hai với 26 lần ra sân. Tiếp theo là Tấn Trường (19 trận), Tuấn Mạnh (4) và Văn Hoàng (1). Văn Chuẩn, Văn Cường và Tuyên Quang vẫn chưa có trận ra mắt.

Chiến lược gia người Hàn Quốc vẫn đang nỗ lực làm mới ĐTVN và luôn nhấn mạnh phong độ quan trọng hơn danh tiếng. Chính Văn Lâm cũng hiểu rõ điều này. 3 trận cuối ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, Tấn Trường (Hà Nội FC) đã thể hiện rất tốt khi Văn Lâm vắng mặt vì Covid-19. Trở lại ở giai đoạn mở màn vòng loại thứ ba, Văn Lâm phải ngồi dự bị ở trận đầu gặp Saudi Arabia. Tới trận cuối cùng gặp Nhật Bản, dù được triệu tập sau khi bình phục chấn thương, thủ môn Việt kiều chỉ ra sân trong 6 phút bù giờ. Lý do là người đứng trong cầu môn suốt 90 phút chính thức, Trần Nguyên Mạnh (Viettel), gặp vấn đề ở đầu gối.

Lưu ý rằng trận hòa Nhật Bản đó, Nguyên Mạnh đã chơi rất tốt với 7 pha cứu thua. Anh được chuyên trang thống kê Sofascore chấm 8,1 điểm, cao nhất trận. Trước đó tại AFF Cup 2020, thủ thành của Viettel cũng được đánh giá cao với kỹ năng chơi chân ổn và phản xạ nhanh nhạy. Anh cũng cho thấy kinh nghiệm, sự điềm tĩnh và khả năng phán đoán với pha cản phá cú phạt đền của “Messi Thái” Chanathip ở trận chung kết lượt đi.

Tín hiệu tốt

Không nghi ngờ gì, Nguyên Mạnh là đối thủ đáng gờm của Văn Lâm. Thế nhưng HLV Park Hang-seo vẫn còn vô số lựa chọn khác. Trong vòng 1 năm qua chiến lược gia người Hàn Quốc đã triệu tập tới 9 thủ môn khác nhau. Vị trí người gác đền luôn khiến ông lo lắng.

Tại AFF Cup 2020, lần đầu tiên ĐT Việt Nam triệu tập tới 5 thủ môn, sau đó 4 người được HLV Park Hang-seo đưa vào danh sách cuối cùng. Ngoài Nguyên Mạnh, Tấn Trường còn có Nguyễn Văn Hoàng (SLNA) và Quan Văn Chuẩn (khi ấy được Hà Nội cho Phú Thọ mượn). Ở vòng loại thứ ba World Cup thậm chí có 4 thủ môn luân phiên bắt chính. Tấn Trường nhiều nhất với 5 trận. Tiếp theo là Nguyên Mạnh (3 trận) và Văn Lâm, Văn Toản (cùng 1).

Trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2022, không ngạc nhiên nếu HLV Park Hang-seo triệu tập cơ số thủ môn lên tuyển. Đây là tín hiệu tốt bởi nó cho thấy sự phong phú ở vị trí người gác đền, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh tích cực. Tất cả sẽ phải nỗ lực hết mình để trở thành lựa chọn số một.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.