Đồng Nai: Bệnh viện 'đỏ mắt' tìm bác sĩ

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mới được đầu tư hiện đại đang rất cần các bác sĩ có chuyên môn cao.
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mới được đầu tư hiện đại đang rất cần các bác sĩ có chuyên môn cao.
TP - Hệ thống y tế cơ sở ở tỉnh Đồng Nai được đầu tư hoàn thiện với 9 bệnh viện đa khoa khu vực, đa khoa tuyến huyện. Tuy nhiên, tình trạng thiếu bác sĩ cho các cơ sở y tế, đặc biệt là bác sĩ có trình độ chuyên môn tay nghề cao vẫn đang là mối quan tâm của ngành y tế Đồng Nai.

Bệnh viện thiếu bác sĩ

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất có quy mô 1.000 giường, tuy nhiên từ nhiều năm nay bệnh viện luôn có 1.400 -1.500 bệnh nhân. Bệnh viện đang cần hơn 200 bác sĩ, nhân viên y tế để có thể đáp ứng đủ yêu cầu phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Việc thiếu bác sĩ cũng đang là bài toán hóc búa đối với Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Từ đầu năm, bệnh viện có kế hoạch tuyển dụng 30 bác sĩ các chuyên khoa, tuy nhiên đến nay cũng chỉ có 3 hồ sơ ứng cử.

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai với vốn đầu tư trên 3,3 ngàn tỷ đồng, quy mô 1.400 giường bệnh với trang thiết bị hiện đại được đánh giá là có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ngang tầm với các bệnh viện trong khu vực Đông Nam Á. Để vận hành, làm chủ được những trang thiết bị kỹ thuật cao, từ 5 năm trước, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã cử viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn tại các viện, trường đại học trong và ngoài nước.

Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, trưởng phòng Tổ chức cán bộ cho biết: “Hàng năm bệnh viện vẫn tuyển được bác sĩ, tuy nhiên chỉ có bác sĩ mới ra trường, trong khi bệnh viện rất cần bác sĩ có nhiều kinh nghiệm. Trong khi mỗi năm lại có 2-3 bác sĩ xin chuyển công tác”. Theo bà Trâm, bác sĩ mới ra trường phải ít nhất có 5 năm công tác vừa làm thực tế vừa học thêm các khóa đào tạo chuyên sâu mới tích lũy được kinh nghiệm.

Bác sĩ Hà Đức Minh, trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế Đồng Nai cho hay, tình trạng thiếu bác sĩ đang thực sự báo động ở Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Phổi, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Pháp y… khi 10 năm nay không thể tuyển được bác sĩ dù tỉnh đã có các chính sách thu hút. Bệnh viện Phổi có 180 giường bệnh, nhưng hiện tại chỉ có 17 bác sỹ, cần bổ sung khoảng 10 bác sỹ.

Bác sĩ Minh cho rằng nguyên nhân thiếu bác sĩ cũng là do áp lực công việc và thu nhập. Một số bác sĩ khi đã tích lũy kinh nghiệm, vững về chuyên môn sẽ lựa chọn môi trường làm việc ngoài công lập năng động hơn, cho thu nhập cao hơn.

Khi “nguồn nhân lực” không muốn cống hiến

Để thu hút nhân lực, Đồng Nai đã quyết định thưởng ngay 50 triệu - 180 triệu đồng, áp dụng đối với viên chức ngành y về làm việc các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện, trung tâm chuyên khoa. Tuy nhiên thì mức thu hút này vẫn chưa thực sự hấp dẫn khi môi trường công tác ở địa bàn khác tỏ ra thực sự hấp dẫn hơn. Trước thực tế này, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện phương án đào tạo sinh viên đại học y, dược chính quy theo địa chỉ sử dụng. Tỉnh hỗ trợ 100% học phí cho các sinh viên đã trúng tuyển vào các trường đại học y dược. Học sinh tại Đồng Nai thiếu điểm thi vào các trường đại học y, dược sẽ được Đồng Nai xét tuyển đào tạo tại trường y, dược theo chỉ tiêu phân bổ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường đại học y dược. Các sinh viên sau khi ra trường sẽ được Sở Nội vụ, Sở Y tế phân công về công tác tại các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Đồng Nai.

Năm 2014, tỉnh Đồng Nai tiếp nhận đợt sinh viên đầu tiên ra trường với 20 bác sĩ, 17 dược sĩ đại học, 8 cử nhân y. Tuy nhiên ngay đợt đầu tiên này đã có 4 bác sĩ và 2 dược sĩ không về nhận công tác, sẵn sàng đền bù kinh phí đào tạo. 2 dược sĩ và 2 bác sĩ nữ nêu lý do “đi lấy chồng”. Hai bác sĩ nam còn lại cũng từ chối nhận công tác.

Bác sĩ Hà Đức Minh cho biết: “Kinh phí mà tỉnh Đồng Nai đầu tư cho đào tạo theo địa chỉ hàng năm rất lớn, nhưng các bác sĩ ra trường vẫn chấp nhận bồi thường, theo hợp đồng là gấp 3 lần số tiền được tỉnh hỗ trợ. Ở đây ngành y tế cần là các bác sĩ về làm việc, chứ tỉnh không phải cần đền bù chi phí đào tạo gấp nhiều lần. Ở khóa đào tạo theo địa chỉ sử dụng đầu tiên ra trường, chúng tôi chỉ ràng buộc 5 năm phục vụ tại tỉnh, sau đó tùy các bác sĩ, dược sĩ quyết định môi trường làm việc của mình. Nếu như có những địa phương sẵn sàng bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng cho mỗi bác đến làm việc, thì Đồng Nai chọn cách dùng tiền thuế của dân để đầu tư cho chính con em của dân đi học, đây là chính sách hết sức nhân văn”. Đối với các trường hợp bác sĩ, dược sĩ không nhận công tác, theo bác sĩ Minh, về lý thì phân xử theo ràng buộc của hợp đồng, nhưng về tình thì “các em cũng nên suy nghĩ lại, các em đi học trở thành bác sĩ, dược sĩ là nhờ vào chính sách, nhờ kinh phí của nhà nước vì vậy cũng nên có trách nhiệm với quyết định của mình”. 

Bảo vệ luận án xong, tiến sỹ xin thôi việc

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản số 1021/UBND-NC, gửi Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ Lạng Sơn về việc đồng ý cho viên chức Hà Thúy Châm, giáo viên khoa Ngoại ngữ, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn được thôi việc theo nguyện vọng cá nhân; sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ đền bù chi phí đào tạo và các nghĩa vụ khác liên quan của viên chức theo quy định của pháp luật.

Giảng viên Hà Thúy Châm vừa bảo vệ xong luận án tiến sỹ tại Australia, do gia đình đang định cư ở nước ngoài nên viết đơn xin nghỉ việc.

                Nguyễn Duy Chiến

MỚI - NÓNG