Đón sóng đầu tư FDI: Không để 'đại bàng' né thuế

Ảnh: Minh họa
Ảnh: Minh họa
TPO - Theo đại doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế, với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ chuyển dịch. Trong đó, tất yếu có xu hướng giảm bớt đầu tư ở Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt phải chủ động nắm bắt cơ hội, bứt phá.

Chia sẻ tại Tọa đàm "Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI: Cơ hội và thách thức" diễn ra chiều 30/6, ông Phan Hữu Thắng, Nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, đại dịch COVID-19 khiến tình hình thị trường mỗi nước đều thay đổi.

“Nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc sẽ tự lựa chọn, sẽ giảm bớt đầu tư ở Trung Quốc và chuyển dần sang các hướng khác, trong đó có Việt Nam”, ông Thắng bình luận.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Malaysia là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút vốn nước ngoài. Thậm chí, cả Myanmar cũng có sức hấp dẫn riêng.

Với Việt Nam, theo ông Toàn, nước ta hiện đang có lợi thế nhờ việc khống chế và bước ra khỏi dịch COVID-19 từ rất sớm. Doanh nghiệp FDI cũng nhìn nhận Việt Nam như một nền kinh tế ổn định, có sức chống chịu cao. Mặt khác, nhân lực của Việt Nam đã được cải thiện nhiều qua thời gian... 

Đón sóng đầu tư FDI: Không để 'đại bàng' né thuế ảnh 1 Nhiều ý kiến được nêu ra tại buổi tọa đàm "Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI: Cơ hội và thách thức" - Ảnh: Như Ý

Vấn đề đặt ra, theo các chuyên gia là làm sao để các DN Việt đón làn sóng đầu tư này một cách hiệu quả nhất .

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, cho rằng Việt Nam đã từng phải trả giá đắt như ô nhiễm môi trường, bị DN FDI trốn thuế khi trở thành nơi gia công cho nước ngoài.

Dẫn chứng bài học từ Sunhouse, ông Phú cho rằng, giai đoạn đầu các DN nội có thể làm gia công cho đối tác nước ngoài. Sau đó, học hỏi công nghệ, học cách làm chủ, hiểu nhu cầu khách hàng ở từng thị trường để xây dựng thương hiệu Việt và có thể bán vào những thị trường đó để trở thành ông chủ.

“Năm 2003, công ty Sunhouse nhận đầu tư của Hàn Quốc nhưng người Việt vẫn nắm quyền kiểm soát. Sau đó, Sunhouse, từ một thương hiệu của Hàn Quốc, được mua lại và trở thành thương hiệu Việt”, ông Phú chia sẻ.

Nhận định về đợt dịch chuyển chuỗi cung ứng lần này, ông Phú cho rằng làn sóng dễ nhất chính là dịch chuyển đơn hàng. Các tập đoàn sẽ phải chuyển giao công nghệ, dịch chuyển 1 phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất để tránh rủi ro từ thuế hoặc từ COVID-19 khi đặt tất cả ở Trung Quốc. Việc ở gần Trung Quốc, theo ông Phú đã tạo cho Việt Nam lợi thế. Người Việt Nam rất cũng linh hoạt.

Tuy nhiên, ngay cả khi các DN FDI chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam, theo ông Phú, các DN nội cũng cần có ý đồ, cần có sự chuẩn bị cho tương lai làm chủ về công nghệ. Bởi theo ông, nếu không Việt Nam cũng chỉ là nơi né thuế.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Toàn- Phó chủ tịch VAFIE cho rằng, Việt Nam cần tiếp thu luồng vốn mới nhưng phải tham gia vào các chi tiết có hàm lượng công nghệ cao. Phải làm được những chi tiết mà nếu không có nó thì không thành sản phẩm được.

Bổ sung cho các ý kiến trên, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho rằng, việc xúc tiến đầu tư cần có địa chỉ, không được chung chung. “Người ta cần mình và mình cần người ta, hai bên gặp nhau”, ông nói.

Tổng thể hơn, theo vị giáo sư, cả bộ máy chính trị phải chuyển động, cả bộ phận công chức, đội ngũ doanh nghiệp phải chuyển động để cho những người lao động tham gia một cách tích cực vào cuộc cải cách này mới có thể thành công.

MỚI - NÓNG