Chủ tịch EuroCham : Thế giới vật lộn, Việt Nam đang có 'cơ hội vàng'

Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier
Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier
TPO - “Trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới còn đang phải vật lộn với tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam hiện đang có cơ hội vàng để tận dụng EVFTA và thu hút FDI từ các công ty EU”, Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier nhận định.

Cơ hội vàng thu hút FDI

Ngày 30/6, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). Với chủ đề “Cải cách quy định hành chính: Chìa khoá thực thi thành công EVFTA”, buổi đối thoại được diễn ra trong bối cảnh Quốc hội vừa thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU - EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVIPA).

Phát biểu khai mạc đối thoại, Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier nhấn mạnh, để EVFTA đi vào hiệu lực, điều quan trọng là cơ quan thẩm quyền của Việt Nam, EU và doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm tính hiệu quả thực thi. Quan trọng hơn nữa là những nỗ lực của Việt Nam để thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư cởi mở cho doanh nghiệp.

Đánh giá Việt Nam có thể trở thành mô hình thành công trong ứng phó với dịch bệnh COVID-19, theo Chủ tịch EuroCham, đây là thời điểm phù hợp để triển khai thành công EVFTA bởi Việt Nam đang phục hồi sau dịch và EVFTA sẽ giúp đẩy mạnh quan hệ Việt Nam và EU.

Khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8, một trong những yếu tố hàng đầu đó là tiếp tục thúc đẩy những tiến bộ tích cực trong cải cách hành chính, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và hiện đại hóa khung pháp lý. Chủ tịch EuroCham cũng cho biết, đó là lý do EuroCham xuất bản Sách Trắng, nhằm chia sẻ mục tiêu với Chính phủ về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

“Trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới còn đang phải vật lộn với tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam hiện đang có cơ hội vàng để tận dụng EVFTA và thu hút FDI từ các công ty EU- những doanh nghiệp đang tìm kiếm thị trường mở, cạnh tranh và thân thiện với doanh nghiệp”, ông Nicolas Audier nhấn mạnh.  

Tiết kiệm chi phí xã hội hàng nghìn tỷ

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đây là lần thứ 3 Hội đồng Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Việc đối thoại đã trở thành hoạt động thường niên trong thời gian gần đây.

Theo ông Dũng, với những nền tảng vững chắc sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, việc triển khai Hiệp định EVFTA và tới đây là Hiệp định EVIPA sẽ tạo dựng những khuôn khổ ổn định, lâu dài nhằm tối đa hóa tiềm năng hợp tác, đưa quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư tương xứng với tầm vóc của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam – EU.

Chủ tịch EuroCham : Thế giới vật lộn, Việt Nam đang có 'cơ hội vàng' ảnh 1  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Mặc dù dịch COVID-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt kinh tế-xã hội, tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời, xác lập “trạng thái bình thường mới”, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.

Liên quan tới nền kinh tế Việt Nam, mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ đạt mức 2,7%-4,9% do nền kinh tế bị tác động cả ở phía cung và cầu, tuy nhiên, các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là một trong số ít nước đạt được mức tăng trưởng dương và có ảnh hưởng của dịch thấp hơn các nước khác.

Bộ trưởng thông tin, Thủ tướng đã giao Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu việc mở cửa xuất nhập cảnh, nối lại các chuyến bay thương mại giữa các nước. Các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động, ngay cả người nhà nhà đầu tư… vẫn được giải quyết nhập cảnh vào Việt Nam.

“Nếu Văn phòng Chính phủ nhận được các văn bản đề nghị, chúng tôi bảo đảm giải quyết trong 1 ngày, rất nhanh”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, kèo theo điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam là phải thực hiện cách ly linh hoạt.

Về thủ tục hành chính, từ đầu năm tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay là 3.893/6.191, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Việc giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện và dịch vụ công qua triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia sau hơn 6 tháng đi vào hoạt động, đến nay, đã tích hợp, cung cấp 725 dịch vụ công trực tuyến. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

MỚI - NÓNG