Ngày 30/6, Cục thống kê TPHCM đã có báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2020.
Theo Cục thống kê, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng Thành phố vẫn có 5 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm và linh kiện điện tử đạt 8,2 tỷ USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ.
Mặc dù khó khăn nhưng hàng dệt may, giày dép cũng kịp góp mặt trong top 5 nhóm hàng tỷ USD, lần lượt đạt 2,1 và 1,1 tỷ USD.
Lý giải nguyên nhân hàng điện tử tăng trưởng vượt bậc, ông Nguyễn Thanh Bình, quyền Trưởng phòng Thương mại Cục Thống kê TPHCM cho rằng, do ngành điện tử thường có đơn đặt hàng trước đó nên dù xảy ra dịch bệnh thì việc sản xuất vẫn ổn định.
“Có một trường hợp đột biến là các tháng 2,3,4, một số nhà máy sản xuất của Trung Quốc ngưng hoạt động nên các đơn hàng chuyển sang Việt Nam, trong đó có TPHCM tăng cao. Nếu chúng ta có sự chuẩn bị trước thì xuất khẩu ngành điện tử sẽ còn cao hơn mức 34,1%” – ông Bình nói.
Tuy nhiên cũng theo ông Bình, sau khi Trung Quốc hồi phục thì đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm hẳn, chỉ còn 9,3%.
Điều tra về tình hình DN bị ảnh hưởng do dịch bệnh, Cục Thống kê TP đã khảo sát 16.300 DN trên địa bàn, trong đó hơn 85,6% DN bị ảnh hưởng. Đặc biệt, DN có quy mô càng lớn, mức độ tác động càng nhiều.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, TPHCM có 2.504 doanh nghiệp (DN) hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,9% so với cùng kỳ; hơn 8.300 DN tạm ngưng hoạt động, tăng 40,6% so với cùng kỳ.
DN giải thể kéo theo lượng lớn lao động thất nghiệp gia tăng. 6 tháng đầu năm đã có 82.000 lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm Thành phố nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; 70.000 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
“Khi đã sa thải quá nhiều lao động, nếu thị trường mở cửa trở lại, có đơn hàng sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động. Còn trường hợp các nước vẫn tiếp tục đóng cửa thị trường, thì số lượng DN tại TPHCM giải thể sẽ còn tăng” – lãnh đạo Cục Thống kê TPHCM nói.