Đối thoại Mỹ-Triều: Washington nên chuẩn bị cho khả năng thất bại

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 9/5. Ảnh: KCNA.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 9/5. Ảnh: KCNA.
TP - Những đe dọa mới nhất của Triều Tiên vẫn chưa làm hỏng hoàn toàn cơ hội diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng giới phân tích cho rằng Nhà Trắng nên chuẩn bị cho khả năng thất bại.

Theo một bài bình luận của hãng tin Mỹ Bloomberg, tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Kim Kye Gwan về khả năng Bình Nhưỡng có thể không đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore nếu bị Washington “dồn vào góc tường” phơi bày một mâu thuẫn cơ bản trong cách tiếp cận của hai nước thù địch đối với cuộc gặp dự kiến vào ngày 12/6.

Theo bài báo, Mỹ muốn đặt ra một lịch trình nhanh chóng để Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo của họ, gọi là sự “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.  Còn ông Kim Jong-un nói ông muốn “phi hạt nhân hóa”, nhưng có lẽ ông nghĩ đến một khung thời gian dài hơn nhiều, có khi vài chục năm, cho đến khi Triều Tiên không còn cảm thấy bị đe dọa.

Trong thời gian đó, Triều Tiên chờ đợi thương mại, đầu tư và viện trợ.Những điều này không có gì gây sốc. Triều Tiên đơn giản chỉ đưa ra quan điểm mở đầu của họ. Còn Mỹ muốn quan điểm rõ ràng hơn.

Các nhà quan sát nhận định Triều Tiên có vẻ đã bị kích động trước những phát biểu của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton sau khi ông này nói rằng ông Kim nên chuyển toàn bộ kho vũ khí hạt nhân đến Mỹ, giống như cựu Tổng thống Libya Muammar Gaddafi đã làm trước khi các biện pháp cấm vận được nới lỏng. Số phận của ông Gaddafi có thể khiến ông Kim không thích cách làm này.

Khác biệt khó giải quyết

Bài bình luận của Bloomberg, đăng ngày 17/5, cho rằng Mỹ không nên hạ bớt đòi hỏi, nhưng cần phát biểu bằng giọng điệu chừng mực hơn khi nói về hàm ý khái niệm phi hạt nhân hóa.“Mỹ cũng nên hạ thấp kỳ vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới”, Bloomberg bình luận và nhận định: Thực tế là các khác biệt giữa hai bên có thể sẽ không thể giải quyết được, và Mỹ nên sẵn sàng chấp nhận.

Ông Kim được đánh giá là có thể chịu được việc đàm phán thất bại: đối thoại càng kéo dài thì cơ hội nới lỏng thực thi các biện pháp cấm vận càng lớn, đặc biệt ở khu vực biên giới với Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, nếu hội nghị thượng đỉnh thất bại, việc duy trì chiến lược gây áp lực tối đa toàn cầu lên Triều Tiên, đặc biệt là những hạn chế thương mại chưa từng có mà Trung Quốc thực hiện năm ngoái, sẽ không dễ dàng. Điều đó có nghĩa là ông Trump cần thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Mỹ sẵn sàng đi xa đến đâu, và Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào nếu đàm phán thất bại. Nếu đối thoại không thành và các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga không sẵn sàng đi theo sự dẫn dắt của Mỹ thì Washington còn phải đối mặt với thất bại lớn hơn nhiều so với một cuộc gặp thượng đỉnh đổ bể.

Theo Theo Bloomberg
MỚI - NÓNG