TPO - Tối 14 tháng Giêng (ngày 23/2) hàng trăm người dân đổ về chùa Phúc Khánh (tổ đình Phúc Khánh, Đống Đa, Hà Nội) để tham dự lễ cầu an hay trước đây gọi là lễ dâng sao giải hạn. Thời tiết Hà Nội chìm trong mưa mù không ảnh hưởng đến số lượng người đổ về chùa Phúc Khánh.
Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, Thủ tướng có công điện yêu cầu không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ… tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, thờ tự. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thể thay đổi thói quen đóng tiền làm lễ dâng sao giải hạn.
Theo đó, năm nay lễ dâng sao giải hạn ở nhiều chùa được chuyển thành lễ cầu an với thủ tục, nghi lễ như lễ dâng sao giải hạn. Từ sớm, người dân Thủ đô đã đổ về chùa Phúc Khánh (tổ đình Phúc Khánh, Đống Đa, Hà Nội) - ngôi chùa nổi tiếng thiêng trong việc “giải hạn” bất chấp thời tiết mưa mù.
Để tham gia khóa lễ này người dân phải đăng ký và đóng tiền từ trước đó khá lâu. Giá cả tùy thuộc vào độ “xấu” của sao chiếu mệnh thành viên trong gia đình. Mỗi người tham gia lễ giải hạn sẽ nộp 150.000-200.000 đồng/ người.
Người dân đã đăng ký khóa lễ trước sẽ nhận được thông báo đến vào ngày được ghi trong phiếu để dự lễ, sớ của người dân đã được nhà chùa dâng lên Tam Bảo.
Đúng 19h, lễ cầu an bắt đầu. Năm nay tình trạng đông đúc tại khu vực trước cửa cũng như trong khuôn viên chùa không xảy ra bởi khóa lễ được chia làm nhiều ngày. Bên trong khuôn viên chùa, du khách, phật tử đều được hướng dẫn ngồi theo hàng để đảm bảo trật tự tại khu vực làm lễ.
Bên trong điện thờ chính rất đông người tham dự lễ cầu an. Mỗi người đến đây đều được phát kinh để đọc.
Tham dự lễ cầu an, người dân mong muốn xóa bỏ mọi tai ách, xui xẻo và luôn nhận được những điều may, vui vẻ, hạnh phúc.
Người tham dự lễ cầu an hay lễ dâng sao giải hạn chăm chú làm theo hướng dẫn của nhà chùa để hoàn thành lễ cầu an. Thực tế, tục dâng sao giải hạn có nguồn gốc Trung Quốc, xuất phát từ niềm tin rằng mỗi năm con người có một vì sao chiếu mệnh. Có tất cả chín sao gồm Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch, Thổ Tú, Vân Hán, Thủy Diệu. Trong đó, Thái Dương, Thái Âm là sao tốt, còn La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch là những sao xấu, khiến con người gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật.
Đến nay, chưa một nhà thiên văn học nào chứng minh có sự xuất hiện của chín ngôi sao ấy trên bầu trời. Do đó, việc dâng sao giải hạn chỉ mang ý nghĩa tâm linh, đem lại sự an tâm cho người làm lễ.
Các nhà quản lý, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiều lần lên tiếng khuyến cáo, người dân không nên mê muội đổ xô dâng sao giải hạn, đặc biệt là những lễ giải hạn tiêu tốn cả chục triệu đồng.
Phía bên ngoài cũng như trong khuôn viên chùa đều có lực lượng chức năng phường thường xuyên làm nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng nên tình hình an ninh trật tự được bảo đảm hơn nhiều năm trước đó.