TPO - Phim "Đào, phở và piano" được lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội. Những cảnh quay tái hiện phố cổ Hà Nội được đoàn phim xây dựng hoàn toàn mới với đội ngũ 60 người tham gia thiết kế, họa sĩ và thi công.
Bối cảnh phố cổ Hà Nội được tái hiện lại trong Đào, phở và piano. Video: CTCP Phim truyện 1.
Đào, phở và piano là một trong hai phim nằm trong kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL).
Phim do Bộ VHTTDL đặt hàng, CTCP Phim truyện 1 sản xuất. Phim do đạo diễn Phi Tiến Sơn thực hiện lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội. Tuy nhiên ông chọn khoảng thời gian 24 giờ của ngày 17/2/1947 để tái hiện hình ảnh những người Hà Nội bám trụ bên chiến lũy.
Cao Thùy Linh có cảnh ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch ở phần cuối phim. Cảnh phim dù gây ra nhiều luồng tranh cãi nhưng vẫn là một trong những cao trào ấn tượng của Đào, phở và piano.
Ngoại trừ suất chiếu ra mắt tại Hà Nội cũng như buổi chiếu trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam 2023 tại Đà Lạt, dịp Tết Nguyên đán vừa qua Đào, phở và piano mới chính thức ra rạp.
Khởi điểm với 3 suất chiếu/ngày, đến nay Đào, phở và piano duy trì trên 20 suất chiếu/ngày với độ phủ rạp cao. Phim được đơn vị điện ảnh tư nhân phát hành phi lợi nhuận, doanh thu được nộp về ngân sách nhà nước.
Đạo diễn chọn khắc sâu hình ảnh chiến đấu thời chiến thông qua đôi tình nhân trẻ - Dân (Doãn Quốc Đam) và Hương (Cao Thùy Linh), ông họa sĩ già, cha xứ, ông phán, đứa bé đánh giầy, vợ chồng ông hàng phở... Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn vẫn mang đến những mảnh ghép về những con người Hà Nội yêu, sống và chiến đấu trong hoàn cảnh đặc biệt.
Đoàn làm phim phục dựng khu phố cổ dài 120 m, đường và vỉa hè lên tới 15m chiều rộng, hai dãy nhà san sát hai bên được hình thành từ phác thảo, dựng sa bàn cho tới dựng bối cảnh. Không gian này giúp cho đoàn làm phim có những cảnh toàn, cảnh quay từ trên cao không vướng các công trình hiện đại.
Họa sĩ Vũ Viết Hưng - phụ trách thiết kế mỹ thuật của phim Đào, phở và piano khẳng định việc xây dựng cảnh cho phim là một thách thức rất lớn. Bởi khung cảnh phim xảy ra cách đây 80 năm trước và để tìm được bối cảnh cho phim trong thời điểm này là không thể.
“Tôi và toàn bộ ê-kíp dành nhiều thời gian để chọn bối cảnh nhưng không thể tìm được góc phố nào đáp ứng được yêu cầu của kịch bản. Cuối cùng chúng tôi và nhà sản xuất đi đến một quyết định xây dựng một bối cảnh hoàn toàn mới tại trường quay”, họa sĩ Vũ Viết Hưng tiết lộ.
Họa sĩ cho biết để xây dựng được bối cảnh phố cổ Hà Nội năm 1946 với tỉ lệ 1:1 đáp ứng được với nguyên mẫu lịch sử anh và các đồng nghiệp đã mất nhiều thời gian nghiên cứu, phác thảo vẽ tay và dựng thành bản 3D.
“Trong điện ảnh dựng bối cảnh là khâu quan trọng nhất tạo ra hiệu ứng tạo ra chất liệu tạo ra không gian. Xây dựng mới sau đó đập phá tạo hiệu quả cũ, rêu mốc, khói bụi. Chúng tôi mất nhiều công sức và thời gian để dựng cảnh”, họa sĩ Vũ Viết Hưng chia sẻ.
Với một bộ phim lịch sử và đề tài chiến tranh lại có kinh phí hạn hẹp, ê-kíp sáng tác phải bàn bạc thảo luận kỹ càng để xây dựng bối cảnh. Những ngôi nhà, những mảng tường, con ngõ... phải được tính toán kỹ lưỡng để không gây lãng phí.
“Chúng tôi phải làm mọi thứ trong giới hạn của nguồn vốn với chất lượng tốt nhất. Thiết kế bối cảnh trong phim lịch sử, nhất là đối với Đào, phở và piano là khâu phức tạp nhất. Chúng tôi phải làm từ con số không và phải làm sao thế nào để khán giả nhìn thấy đời sống của nhân vật một cách chân thật nhất. Thời gian có hạn buộc chúng tôi phải đẩy nhanh tốc độ để đáp ứng tiến độ đã đề ra”, anh Hưng nêu.
Trong phim chiến tranh những quả nổ, những đám cháy được gọi là hiệu ứng đặc biệt. Những hiệu ứng này có ê-kíp riêng để thực hiện. Toàn bộ ê-kíp phải luôn chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ những bình chữa cháy để đảm bảo an toàn cho diễn viên trong bối cảnh quay.