Doanh nghiệp vận tải kêu cứu vì bến cóc, xe dù

Xe limousine trên danh nghĩa là xe hợp đồng, nhưng chuyên chở khách tuyến cố định giữa trung tâm Hà Nội
Xe limousine trên danh nghĩa là xe hợp đồng, nhưng chuyên chở khách tuyến cố định giữa trung tâm Hà Nội
TP - Sáng 4/11, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Tổng cục Đường bộ tổ chức Hội thảo về vấn đề vận tải hành khách tuyến cố định, xe hợp đồng trá hình. Tại hội thảo, các doanh nghiệp vận tải đã đồng loạt kêu cứu trước nạn xe dù, bến cóc làm ảnh hưởng đến hoạt động của họ.

Doanh nghiệp còn cho rằng, ngoài xe dù, xe limousine chạy xuyên tâm các thành phố lớn (hiện cả nước khoảng 110.000 xe đang hoạt động) cũng đang làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận tải nói chung.

Ít ngày trước, 8 doanh nghiệp vận tải đang khai thác 5 tuyến buýt không trợ giá liên tỉnh từ Quảng Nam đi Đà Nẵng (và ngược lại). Các tuyến buýt này đều đi vào nội thành Đà Nẵng và đã khai thác ổn định nhiều năm qua. Tuy nhiên, mới đây, Sở GTVT đề nghị UBND TP Đà Nẵng đưa các tuyến buýt này ra khỏi trung tâm thành phố (cách trung tâm TP Đà Nẵng 11km). Nếu kế hoạch này được phê duyệt, hành khách đi các tuyến buýt trên sẽ phải đi 2 chặng, vừa phức tạp lại tốn kém chi phí.

Trong khi đó, tình trạng xe dù vẫn chưa được ngăn chặn, thậm chí nở rộ, khiến các doanh nghiệp xe buýt khó cạnh tranh nếu bị chuyển ra xa nội thành. Vì vậy, các doanh nghiệp này gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng và các bộ, ngành trung ương, để hy vọng tiếp tục được hoạt động trong khu vực nội đô.

Mới đây, 11 doanh nghiệp vận tải tại Quảng Ninh cũng có đơn kêu cứu gửi Thủ tướng và các bộ, ngành trung ương về việc tình trạng xe dù, bến cóc tràn lan, khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định gặp khó khăn, vắng khách. Do đó, những doanh nghiệp này kiến nghị các bộ, ngành có biện pháp xử lý, để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, doanh nghiệp làm ăn chân chính, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật có thể tồn tại và phát triển.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Phan Thị Thu Hiền thừa nhận, dù nỗ lực, nhưng thực trạng xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định vẫn nở rộ thời gian qua. Xe dù, bến cóc đã gây bức xúc rất lớn trong doanh nghiệp, địa phương nào cũng có. Theo bà Hiền, hiện tại, Tổng cục Đường bộ đang nghiên cứu về chủ trương chuyển xe khách tuyến cố định có tần suất lớn, cự ly ngắn (dưới 200-300km) thành xe buýt liên tỉnh không trợ giá. 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, xe dù, bến cóc nở rộ do quy định của Luật Giao thông đường bộ (năm 2008) với những quy định về các hình thức vận tải hành khách đã không còn phù hợp với thực tế. “Các nước không có xe khách tuyến cố định, còn Việt Nam tồn tại các tuyến này do lịch sử để lại. Tuy nhiên, đến nay, trong thời kỳ mới  những tuyến xe khách này cần biến thành xe buýt”, ông Quyền nói. Nói về nạn bến cóc, xe dù chạy xuyên tâm tại các đô thị lớn, ông Quyền cho hay không loại trừ có sự “bảo kê, bao che” các nhà xe.

Ông Lưu Hoàng Hà, Chủ tịch HĐQT Cty CP Hoàng Hà đồng tình chuyển tuyến có nhu cầu cao thành xe buýt và xã hội hoá để doanh nghiệp làm, điều này vừa tiện lợi cho người dân vừa giảm chi ngân sách.

Về việc kêu cứu của 8 doanh nghiệp xe buýt tuyến Quảng Nam – Đà Nẵng, do bị đẩy ra khỏi trung tâm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, đề xuất của Sở GTVT Đà Nẵng, không để 5 tuyến xe buýt hoạt động trong trung tâm thành phố là chưa phù hợp.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.