Doanh nghiệp “kêu” bị bầm dập vì cơ quan quản lý “hành”

Lao động đã được tuyển chọn, đào tạo tiếng Nhật trước lúc xuất cảnh. Ảnh: H.A
Lao động đã được tuyển chọn, đào tạo tiếng Nhật trước lúc xuất cảnh. Ảnh: H.A
TPO - Bị “hành” vì thủ tục hành chính và cách hành xử lạm quyền của lãnh đạo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (QLLĐNN) thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã gửi đơn tố cáo khẩn cấp đến Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan.

Trong đơn gửi Thủ tướng cùng các bộ ngành đồng thời gửi cho báo chí, ông Lưu Quang Bình- Tổng giám đốc Công ty CP Việt Hà- Hà Tĩnh nêu đích danh ông Tống Hải Nam- Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN đã lạm quyền khi ban hành nhiều công văn sai quy định khiến doanh nghiệp ông lao đao.

Dẫn chứng từ ông Bình cho thấy, ngày 18/11/2015, Bộ này ra công văn số 4732 chỉ đạo các doanh nghiệp chấn chỉnh hoạt động XKLĐ. Việc làm này ít nhiều hạn chế sự bát nháo của thị trường XKLĐ nhưng khiến nhiều doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép.

“Quy định các doanh nghiệp phải báo cáo một số nội dung về Cục QLLĐNN trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được công văn nếu không sẽ bị dừng thị trường Nhật Bản. Lợi dụng văn bản này, ngày 26/01/2016, ông Tống Hải nam, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN ký công văn số 113/QLLĐNN-NBCADDNA dừng việc thẩm định hợp đồng và cấp thư phái cử đưa lao động sang Nhật Bản vô thời hạn đối với 35 doanh nghiệp vì lỗi không báo cáo kịp trong 30 ngày đã thể hiện sự tùy tiện và vô trách nhiệm của Cục này”- ông Bình nói.

Theo ông Bình và nhiều doanh nghiệp cùng lĩnh vực, lỗi không báo cáo có qui định xử phạt hành chính rất rõ ràng trong Nghị định 95/CP, mức phạt tiền từ 5 -10 triệu đồng đối với hành vi “không báo cáo đột xuất, định kỳ về hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” nên việc dừng doanh nghiệp bằng công văn của Cục là lạm quyền, trong khi đó công văn của Cục QLLĐNN lại không ghi rõ thời hạn và điều kiện để mở lại cho doanh nghiệp hoạt động.

“Điều này đã dẫn đến sự giải quyết tuỳ tiện của cán bộ quản lý và dễ phát sinh tiêu cực trong cách giải quyết sự việc và thậm chí đến nay có doanh nghiệp hơn 1 năm rồi không vào lại được thị trường này”, đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến trong đơn tố cáo.

Một doanh nghiệp cùng đứng đơn tố cáo nói rằng hậu quả của việc tạm dừng hoạt động của 35 doanh nghiệp vì lỗi “không báo cáo” của Cục QLLĐNN thời gian qua, khiến các doanh nghiệp không chỉ bị mất đối tác do đơn hàng cung ứng lao động bị phá vỡ, mà họ phải bồi thường thiệt hại cho đối tác, tốn kém chi phí khảo sát, tìm kiếm thị trường và đối tác mới.

“Chúng tôi bị mất uy tín với đối tác, lao động và nhiều lao động đã được tuyển chọn, đào tạo nhưng không còn cơ hội phỏng vấn và xuất cảnh sang Nhật”- đại diện doanh nghiệp nêu.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Phượng - Giám đốc Chi nhánh Hải Dương của Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Bạch Đằng (BIMEXCO) nói rằng bị “hành” vì thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động.

Là cơ quan tham mưu cho Bộ, đáng lẽ Cục QLLLĐNN phải có trách nhiệm hướng dẫn hỗ trợ BIMEXCO hoàn thành  nhanh bộ hồ sơ để kịp gửi cho đối tác Nhật Bản thì Cục lại “ngâm” tới 5 tháng không trả lời trong khi đối tác Nhật Bản cho rằng chỉ cần không quá 20 ngày để hoàn thành thủ tục này. Vì thế, tháng 2/2015 BIMEXCO đã lỡ mất cơ hội ký hợp đồng với Nghiệp đoàn Kyodo Kumiai Tsubasa của Nhật.

Không dừng lại ở đó, mới đây công ty của bà Phượng cũng gặp tình trạng như vậy với một đối tác khác là Công ty Nihon Human Create của Nhật Bản.

“BIMEXCO bắt đầu nộp hồ sơ đăng kí từ ngày 1/2/2016 và sau 17 lần chỉnh sửa hồ sơ, đi lại nộp giấy tờ mãi đến ngày 21/9/2016, hơn 7 tháng sau vẫn không hề nhận được thông báo của Cục QLLĐNN về việc có hay không chấp nhận cho BIMEXCO thực hiện hợp đồng với đối tác này”- bà chia sẻ.

Có thâm niên 17 năm trong lĩnh vực XKLĐ ông Lưu Quang Bình nói rằng việc làm này của Cục QLLĐNN như “giọt nước tràn ly” nên mới tố cáo khi họ ban hành nhiều văn bản gây khó cho doanh nghiệp.  

Ông dẫn chứng là Cục QLLĐNN yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo toàn bộ số liệu, trong đó có nội dung của hợp đồng mà doanh nghiệp đang hợp tác với các Nghiệp đoàn Nhật Bản như: tên, số điện thoại, địa chỉ, tài khoản, số lượng thực tập sinh tuyển chọn hằng năm của từng đối tác…. “Điều này khiến nhiều doanh nghiệp đặt nghi vấn về việc làm lộ bí mật kinh doanh của mình”- theo ông Bình.

Thế mới có chuyện đã từng có doanh nghiệp nói thẳng rằng, những thông tin bí mật của họ đã bị một số người trong Cục QLLĐNN đem ra “bán” lại cho một số doanh nghiệp không có khả năng khai thác hợp đồng, cần cung cấp thông tin của đối tác Nhật Bản?!

Trao đổi với PV Tiền Phong sáng nay 9/5, ông Tống Hải Nam- Phó Cục trưởng Cục XKLĐ thừa nhận mình là đối tượng trong đơn tố cáo mà ông Bình đã nêu nên không thể trả lời báo chí được.

“Hiện Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã nhận được đơn thư của doanh nghiệp này và đang thụ lý. Bước đầu đơn đã giao cho Thanh tra Bộ kiểm tra và giải quyết, lúc nào có kết quả chúng tôi sẽ thông báo cho quý báo”- ông Nam nói.

MỚI - NÓNG