Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong cơn bĩ cực

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), cùng với sự sụt giảm của thị trường, việc các chính sách không theo kịp sự thay đổi cũng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, như chính sách giảm 2% thuế VAT vẫn chưa được ban hành. Hiện, nhiều doanh nghiệp điện tử đã phải thu hẹp quy mô, tối ưu chi phí nhằm nỗ lực duy trì hoạt động.

Sở Công Thương Ninh Bình cho biết, thống kê của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh từ đầu năm đến nay cho thấy, các doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực có nhà máy trên địa bàn tỉnh đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp đang trong cảnh thua lỗ hoặc sản xuất cầm chừng, chủ yếu là các doanh nghiệp lĩnh vực may mặc, da giày, linh kiện điện tử.

Đặc biệt, sản lượng nhiều ngành hàng sản xuất như may mặc giảm 35%, lắp ráp cần gạt nước ô tô giảm 34%; linh kiện điện tử giảm 44%... so với cùng kỳ năm. Nhiều doanh nghiệp có vốn FDI cũng có báo cáo về việc từ tháng 6 tới, doanh nghiệp sẽ còn khó khăn hơn khi không còn đơn hàng để duy trì sản xuất. Hiện tại nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử như Công ty TNHH ADM21, Công ty TNHH YG Vina cũng phải sản xuất cầm chừng hoặc cho lao động nghỉ luân phiên do không có đơn hàng.

Tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng đang là vấn đề cần tập trung tháo gỡ hiện nay là thông tin được Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai đưa ra khi đề cập đến việc cần sớm có các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo ông Oai, là tỉnh có số doanh nghiệp dệt may lớn, với khoảng 300.000 lao động, chiếm tới hơn 60% số lao động toàn ngành công nghiệp nên việc doanh nghiệp thiếu đơn hàng ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập, cuộc sống của hàng trăm nghìn công nhân. Số liệu cho thấy, hiện chỉ có khoảng 20% số doanh nghiệp dệt may trên địa bàn Thanh Hoá có đơn hàng, duy trì sản xuất đều đặn, hơn 30% giữ được sản xuất ổn định, các doanh nghiệp dệt may còn lại đều đối mặt tình trạng bị thiếu đơn hàng. Dù tìm mọi cách để vượt qua khó khăn, nhận làm thêm đủ hình thức nhưng tình hình dự báo vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong cơn bĩ cực ảnh 1

Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), các doanh nghiệp trong ngành đang thiếu đơn hàng trầm trọng. Ảnh: Như Ý


Doanh nghiệp phải chuyển đổi, cần
chính sách hỗ trợ kịp thời

Hoạt động của các doanh nghiệp ngành điện tử đang rất bi đát, bà Đỗ Thị Thuý Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) liên tục nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay.

Theo bà Hương, ghi nhận từ các thành viên của VEIA cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang trong cảnh đói hết sạch đơn hàng mới từ tháng 6 tới. Việc ‘đói đơn hàng’ sẽ khiến ngành công nghiệp điện tử sụt giảm ghê gớm kim ngạch xuất khẩu trong quý 2. “Quý 1, tình hình đã rất tệ khi kim ngạch xuất khẩu suy giảm 9,75% so với cùng kỳ. Tình hình này quý 2 sẽ còn tệ hơn nữa’, bà Hương nói.

Theo bà Hương, tình trạng khó khăn với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, cũng như với doanh nghiệp điện tử xuất hiện từ cuối năm ngoái khi đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp điện tử liên tục giảm sút vì tác động của kinh tế toàn cầu. So với cùng kỳ năm trước, ngay cả Samsung, doanh nghiệp chiếm tỷ trọng xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử lớn nhất Việt Nam, cũng đối mặt khó khăn khi suy giảm xấp xỉ 10% kim ngạch trong quý 1 năm nay.

Bà Hương cũng cho biết, ngay với doanh nghiệp của bà, lượng đơn hàng của doanh nghiệp cũng sụt khá nhiều trong quý 1. Tình trạng khó khăn, sút giảm sản xuất và xuất khẩu sẽ tiếp tục được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý 2 khi không có nhiều đơn hàng mới.

Về giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay khi đơn hàng suy giảm, đại diện VEIA cho rằng, ngành điện tử toàn cầu hiện suy giảm 16% nên khó khăn sẽ còn tiếp diễn. Vấn đề hiện nay chính là các chính sách hỗ trợ luôn đưa ra rất chậm. Hiện, nhiều doanh nghiệp điện tử đã phải thu hẹp quy mô, cố gắng duy trì hoạt động nhưng các chính sách không theo kịp sự thay đổi của tình hình cũng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

“Giờ các doanh nghiệp rất lúng túng, không có giải pháp gì cho tình hình hiện nay trong khi các chính sách hỗ trợ là tốt nhưng luôn ban hành ra rất chậm. Khi doanh nghiệp chết rồi mới hỗ trợ thì không giải quyết, không có tác dụng gì. Việc giảm thuế VAT 2% thực tế chỉ hỗ trợ người tiêu dùng chứ doanh nghiệp sản xuất không được lợi”, bà Hương nói.

Đại diện VEIA cũng cho rằng, khi ban hành chính sách hỗ trợ, các cơ quan quản lý cũng cần chú ý việc đừng tạo thêm các khó khăn cho doanh nghiệp. Các chính sách thời gian qua ban hành nhưng đòi hỏi doanh nghiệp rất nhiều giấy tờ. Vì vậy, đôi khi doanh nghiệp không được hưởng.

Theo một đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), chuỗi cung ứng toàn cầu là chủ đề nóng trong 3 năm trơ lại đây khi dịch COVID-19 và cuộc chiến Ukraina đang làm thay đổi và định hình lại ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam.

Theo đại diện VASI, hiện doanh nghiệp Việt đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Máy tính và linh kiện dù là lĩnh vực mang lại kim ngạch nhiều tỷ USD mỗi năm nhưng cũng đang trong cảnh phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Hiện các khách hàng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến tính ứng dụng thưc tế của các sản phẩm thiết bị điện tử hơn là các thiết bị cao cấp. Các khách hàng cũng đã có thay đổi hành vi rất nhiều, rất cân nhắc trong việc thay đổi thiết bị, chỉ khi cần mới thay đổi thay vì trước đây thường chọn xu hướng công nghệ mới nhất mà không cần quan tâm giá. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất điện tử Việt Nam cần căn cứ vào hành vi tiêu dùng của các khách hàng để điều chỉnh tổ chức sản xuất và năng lực sản suất các sản phẩm công nghiệp điện tử.

Các báo cáo từ hội viên VASI cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, có nhiều hãng, tập đoàn lớn toàn cầu từ Trung Quốc sang Việt Nam tìm kiếm địa điểm để đặt nhà máy. Ngay cả Apple dù đã có nhà máy nhưng họ cũng đang có xu hướng xem xét tổ chức sản xuất mở rộng tại Việt Nam. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị nội địa để đóng góp nhiều hơn vào chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, các thách thức cũng rất nhiều khi các chính sách không theo đuổi kịp diễn biến thực tế của thị trường.

“Việt Nam phải kịp thời điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài để đảm bảo dòng vốn FDI có chọn lọc, ưu tiên công nghệ tiên tiến, bền vững và có sức lan toả cho nền kinh tế Việt Nam. Việc thiếu nguồn lực lao động chất lượng cao cũng là vấn đề rất lớn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam”, đại diện VASI cảnh báo.

MỚI - NÓNG