TikTok có thể sẽ bị bán lại ở Mỹ hoặc bị cấm. (Ảnh: Shuttlerstock) |
Tháng 6/2020, người dùng TikTok ở Ấn Độ tạm biệt ứng dụng do công ty ByteDance của Trung Quốc tạo ra.
New Delhi bất ngờ cấm nền tảng này cùng hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc sau khi xảy ra cuộc ẩu đả chết người giữa binh lính hai nước trên vùng biên giới tranh chấp.
Chính phủ Ấn Độ nêu lo ngại về quyền riêng tư và cho rằng các ứng dụng của Trung Quốc đe dọa chủ quyền và an ninh của họ.
Quyết định này nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận Ấn Độ, trong bối cảnh xảy ra nhiều cuộc biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
Nikhil Pahwa, chuyên gia chính sách kỹ thuật số và người sáng lập của trang web công nghệ MediaNama, cho biết: “Đã có một cuộc tranh cãi tại sao chúng tôi có thể cho phép các công ty Trung Quốc kinh doanh ở Ấn Độ khi hai bên đang đối đầu quân sự”.
Vài tháng trước khi ban lệnh cấm, Ấn Độ đã hạn chế đầu tư từ các công ty Trung Quốc.
“TikTok không phải là trường hợp duy nhất. Đến nay Ấn Độ đã cấm hơn 500 ứng dụng của Trung Quốc”, Pahwa cho biết.
Vào thời điểm đó, Ấn Độ có khoảng 200 triệu người đang dùng TikTok, nhiều nhất bên ngoài Trung Quốc. Mạng xã hội này cũng đang sử dụng hàng nghìn nhân viên người Ấn Độ.
Người dùng TikTok và người sáng tạo nội dung cần chuyển sang ứng dụng tương tự. Lệnh cấm đã mang đến cơ hội trị giá hàng tỷ đô la cho những người khác. Trong vòng vài tháng, Google đã tung ra YouTube Shorts và Instagram ra mắt Reels. Cả hai đều bắt chước cách tạo video dạng ngắn mà TikTok đã làm rất xuất sắc.
“Cuối cùng họ đã chiếm được phần lớn thị trường mà TikTok để lại”, Pahwa cho biết.
Ở Ấn Độ, những video được đăng lên TikTok mang tính địa phương cao, giúp người ngoài có cái nhìn về những điều cụ thể, như cuộc sống ở một thị trấn nhỏ hay cách đặt gạch để xây tường. Nhưng phần lớn người sáng tạo nội dung và người dùng đã chuyển sang nền tảng khác trong 4 năm sau lệnh cấm.
Winnie Sangma trước đây hay đăng video lên TikTok và kiếm được một ít tiền. Sau lệnh cấm, anh chuyển sang Instagram và hiện có 15.000 người theo dõi. Quá trình này diễn ra không gặp khó khăn gì.
“Tôi cũng đã thu hút được một lượng người theo dõi trên Instagram và tôi đang kiếm tiền từ nó, dù trải nghiệm không giống như trước đây trên TikTok”, Sangma cho biết.
Rajib Dutta, một người thường xuyên lướt TikTok, cũng đã chuyển sang Instagram sau lệnh cấm. “Đó thực sự không phải là một vấn đề lớn”, anh nói.
Mỹ có gì khác?
Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật có phần yêu cầu ByteDance bán ứng dụng TikTok hoặc sẽ bị cấm ở Mỹ. Dự luật sẽ được chuyển đến Tổng thống Joe Biden để ký thành luật.
Theo đó, ByteDance có 9 tháng để bán TikTok và 3 tháng nữa nếu việc bán nền tảng đang được tiến hành. Ngược lại, TikTok sẽ bị cấm. Sẽ phải mất ít nhất 1 năm trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Tuy nhiên, thời gian có thể kéo dài nếu có đơn kiện nộp lên toà.
Ở Ấn Độ, lệnh cấm năm 2020 được thông qua nhanh chóng. Pahwa cho rằng tình hình ở Mỹ khác.
“Ở Ấn Độ, TikTok không kiện ra tòa, nhưng Mỹ là thị trường có doanh thu lớn hơn đối với họ. Ngoài ra, Tu chính án thứ nhất ở Mỹ khá mạnh, nên Mỹ sẽ không dễ dàng thực hiện điều này như đối với Ấn Độ”, Pahwa nói đến quyền tự do ngôn luận được quy định trong Hiến pháp Mỹ.
Khi các ứng dụng của Trung Quốc ngày càng phổ biến trên khắp thế giới, Pahwa cho rằng các quốc gia cần đánh giá sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc và giảm thiểu tình trạng này vì những ứng dụng đó có thể gây ra rủi ro an ninh.
TikTok cũng bị cấm ở Pakistan, Nepal và Afghanistan và bị hạn chế ở nhiều quốc gia châu Âu.
“Luật tình báo Trung Quốc và luật an ninh mạng cho phép các ứng dụng Trung Quốc hoạt động vì lợi ích bảo mật của chính họ. Điều đó có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia cho nước khác”, Pahwa nói.