TikTok có thể gây tác động đáng kể lên bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. (Ảnh: Reuters) |
Nhiều bang, và nhiều thành viên trong Quốc hội và Nhà Trắng, muốn dịch vụ chia sẻ video của hãng ByteDance bị cấm hoặc phải bán cho người Mỹ. Những quan ngại chính được nêu ra là nguy cơ mạng này bị lợi dụng để theo dõi, phát tán thông tin sai lệch, gây tác động lên người trẻ.
Đến nay, các nhân viên chính phủ tại 34 trong tổng số 50 bang của Mỹ bị cấm dùng TikTok trên những thiết bị được chính phủ cấp.
Nhưng ở một số nơi, tòa án đã chặn nỗ lực đó. Ngày 30/11, một thẩm phán liên bang chặn luật của Montana nhằm cấm Tiktok ở bang này từ ngày 1/1/2024. Thẩm phán cho rằng lệnh cấm “vượt quá quyền hạn của bang”.
Thẩm phán Donald Molloy nói rằng có “một chút hoài nghi rằng cơ quan lập pháp và Tổng chưởng lý Montana muốn nhắm đến Trung Quốc hơn là bảo vệ người sử dụng TikTok ở Montana”.
Một ngày trước đó, một thẩm phán ở Indiana cũng gạt bỏ nỗ lực của chính quyền bang này nhằm cấm cửa TikTok.
Trong khi đó, các chính trị gia đang đối mặt với vấn đề khó xử trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, khi ngày càng nhiều người trẻ sử dụng mạng xã hội này vừa để giải trí vừa đọc tin tức.
Vivek Ramsawamy, một ứng cử viên của đảng Cộng hòa, đã chấp nhận thực tế đó. “Chúng tôi tham gia để tiếp cận những người trẻ tuổi, tiếp thêm năng lượng cho những người trẻ và để làm được điều đó, chúng tôi không thể trốn tránh”, chính trị gia 38 tuổi viết trong bài đăng đầu tiên hồi tháng 9.
Tuy nhiên, từ tháng 6, các cơ quan và nhân viên Chính phủ Mỹ bị cấm sử dụng TikTok, và điều này có thể khiến Tổng thống Joe Biden mất một kênh phổ biến để truyền tải thông điệp tái tranh cử của mình, nhất là về nền kinh tế, đến với nhóm cử tri trẻ tuổi.
Ông Paul Barrett, Giáo sư phụ trợ tại Trường Luật thuộc ĐH New York, cho biết: “Nhiều nghiên cứu cho thấy những người theo khuynh hướng cực hữu về chính trị thường bị thu hút bởi thông tin sai lệch và các nguồn tin tức truyền bá thông tin sai lệch”. Nhà nghiên cứu này cho rằng chính quyền của Tổng thống Biden đã tự còng tay mình khi quay lưng với TikTok.
“Không còn gì nghi ngờ rằng thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20 thích TikTok hơn các nền tảng cũ, và các lực lượng chính trị thuộc mọi khuynh hướng khác nhau đã phát hiện ra TikTok như một phương tiện truyền thông hiệu quả”, ông nói với Straits Times.
“Tôi không cho rằng cuộc bầu cử sẽ xoay quanh việc ai có thể tận dụng TikTok tốt nhất, nhưng với một bộ phận cử tri trẻ tuổi, đó có thể là một yếu tố”, GS Barrett nhận định.
Nhóm cử tri trong độ tuổi từ 18 - 24 ước tính chiếm khoảng 28% tổng số cử tri Mỹ.
Chắc chắn lệnh cấm TikTok không thể ngăn cản việc truyền tải thông điệp chính trị thông qua những người có ảnh hưởng, như Harry Sisson, người đã quay một video TikTok vào tháng 11/2022 với cựu Tổng thống Barack Obama. Sisson, người có tên TikTok là harryjsisson, có 746.800 người theo dõi và thu hút tổng cộng 87,5 triệu lượt “thích”.
Nhưng làm thế nào nền tảng này có thể ảnh hưởng đến hành vi bỏ phiếu vẫn là câu hỏi cần tìm đáp án, một phần vì tác động xã hội của tin nhắn video khó đo lường hơn nhiều so với tác động của tin nhắn.
Tháng 11 vừa qua, “Bức thư gửi nước Mỹ” đã bị lãng quên từ lâu của Osama bin Laden - kẻ chủ mưu đằng sau vụ tấn công 11/9 vào Mỹ khiến 2.977 người thiệt mạng - xuất hiện trên TikTok và được hơn 6,9 triệu lượt xem, sau đó nó tiếp tục lan truyền trên các nền tảng khác.
Bức thư cho thấy, cùng với những điều khác, vụ tấn công ngày 11/9 là phản đòn đối với sự ủng hộ của Mỹ dành cho việc Israel chiếm đóng lãnh thổ của người Palestine.
Bin Laden đã bị quân đội Mỹ tiêu diệt trong chiến dịch ở Pakistan năm 2011.
Cũng trong tháng 11 vừa qua, nghiên cứu của hãng Pew Research cho thấy một tỷ lệ nhỏ nhưng ngày càng tăng người trưởng thành ở Mỹ thường xem tin tức qua TikTok.
Pew Research cho biết: “Chỉ trong 3 năm, tỷ lệ người trưởng thành ở Mỹ xem tin tức từ TikTok đã tăng hơn bốn lần, từ 3% năm 2020 lên 14% năm 2023”.
Một cuộc thăm dò của NBC News công bố ngày 22/11 cho thấy, cứ 5 cử tri Mỹ thì 1 người sử dụng TikTok ít nhất mỗi lần một ngày, còn các cử tri trẻ tuổi cho biết họ thường xuyên sử dụng mạng này.
Ông Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Lựa chọn Trung Quốc, gọi TikTok là “ma tuý số”. Tiến sĩ Edward Luttwak, nhà sử học và chiến lược gia chiến tranh, gọi TikTok là “con ngựa thành Troy”.
Các chuyên gia cho rằng TikTok có thể gây tác động ghê gớm đối với chính trị ở quốc gia bị chia rẽ sâu sắc, khi không gian truyền thông xã hội tràn ngập thông tin sai lệch.
Tiến sĩ Ian Bremmer, chủ tịch của hãng tư vấn Eurasia Group, cho rằng việc thúc đẩy thông tin sai lệch bằng thuật toán sẽ là mối đe dọa đáng kể đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.