TikTok đang là ứng dụng phổ biến thứ sáu trên thế giới. Ảnh: AP |
“Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động sai trái đó”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 28/2.
Bà Mao Ninh cho rằng, việc Chính phủ Mỹ cấm ứng dụng chia sẻ video này cho thấy nỗi bất an của Washington và sự lạm dụng quyền lực nhà nước.
“Mỹ, một siêu cường hàng đầu thế giới, không chắc chắn đến mức nào để phải sợ một ứng dụng yêu thích của người trẻ?”, bà Mao Ninh đặt câu hỏi.
Ngày 27/2, Nhà Trắng đặt ra thời hạn 30 ngày để xoá TikTok khỏi tất cả các thiết bị do chính phủ cấp, nhằm tuân thủ lệnh cấm mà Quốc hội Mỹ đề ra.
Lệnh cấm không áp dụng với các doanh nghiệp Mỹ không liên quan đến chính phủ liên bang hay người dân thường.
Tuy nhiên, một dự luật được trình lên Quốc hội Mỹ gần đây chủ trương cấm hoàn toàn TikTok ở Mỹ.
Là sản phẩm của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance, TikTok trở thành mục tiêu chính trị do lo ngại có thể bị sử dụng để do thám hoặc tuyên truyền.
Quan ngại về an ninh quốc gia gia tăng ở Mỹ sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc bay trên bầu trời Mỹ tháng trước.
Ngày 27/2, Chính phủ Canada cũng cấm cài TikTok trong tất cả điện thoại và thiết bị của chính phủ, với lý do sợ Bắc Kinh tiếp cận dữ liệu người sử dụng. Ủy ban châu Âu cũng đã cấm app này.
TikTok nhiều lần bác bỏ cáo buộc chia sẻ dữ liệu hay tuân thủ sự kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, các lệnh cấm chưa thể chặn đà phát triển của ứng dụng này. Với hơn 1 tỷ người sử dụng, TikTok đang là mạng xã hội phổ biến thứ sáu trên thế giới, theo thống kê của hãng tiếp thị We Are Social.