CEO TikTok Shou Zi Chew. (Ảnh: Reuters) |
Phiên điều trần của CEO Shou Zi Chew tại Quốc hội Mỹ hầu như không thể xua những hoài nghi của các nghị sĩ về ByteDance – công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc, mà ngược lại còn tạo nên động lực mới để các nghị sĩ kêu gọi cấm ứng dụng này trên toàn nước Mỹ.
Trong phiên điều trần suốt 5 giờ đồng hồ, Chew nhiều lần phủ nhận cáo buộc ứng dụng này chia sẻ dữ liệu hay có bất kỳ liên hệ nào với Chính phủ Trung Quốc, đồng thời khẳng định TikTok đang làm mọi thứ có thể để bảo đảm an toàn cho 150 triệu người sử dụng ở Mỹ.
Chew nói rằng TikTok trong 2 năm qua đã xây dựng một bức tường lửa để bảo vệ dữ liệu người dùng Mỹ trước nguy cơ bị nước ngoài tiếp cận trái phép. “Giới hạn thấp nhất là dữ liệu của Mỹ được lưu trữ trên đất Mỹ, bởi một công ty Mỹ, được người Mỹ giám sát”, Chew nói.
Tuy nhiên, không nghị sĩ nào thể hiện ủng hộ hay đồng cảm với những lời bảo đảm mà Chew đưa ra, vì cho rằng CEO này lảng tránh câu trả lời về Trung Quốc và làm dấy lên lo ngại về sức mạnh mà ứng dụng này có được đối với trẻ em Mỹ.
Một số nghị sĩ cáo buộc TikTok quảng bá những nội dung khuyến khích rối loạn ăn uống ở trẻ em, bán thuốc trái phép và lạm dụng tình dục.
“TikTok có thể được thiết kế để giảm thiểu tác hại với trẻ em, nhưng quyết định được đưa ra nhằm gây nghiện cho trẻ em để thu lợi nhuận”, Hạ nghị sĩ Kathy Castor thuộc đảng Dân chủ phát biểu.
Chew trả lời nhiều câu hỏi bằng cách nói rằng những vấn đề đó rất phức tạp và không phải chỉ riêng TikTok gặp phải.
Đại diện công ty cho biết đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho các nỗ lực bảo vệ an ninh dữ liệu trong “Dự án Texas”, hiện sử dụng gần 1.500 nhân viên toàn thời gian và ký hợp đồng với hãng Oracle của Mỹ để lưu trữ dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ.
Tuy nhiên, những người chỉ trích không hài lòng với việc công ty không có nỗ lực mới nào để bảo vệ quyền riêng tư.
Khoảng 20 nghị sĩ Mỹ, gồm 10 thành viên đảng Dân chủ và 10 thành viên đảng Cộng hoà, đã ủng hộ dự luật của lưỡng viện nhằm trao cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden quyền cấm TikTok. Số phận mạng xã hội này trở thành một nhân tố căng thẳng mới trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Tuần trước, TikTok nói rằng chính quyền Biden yêu cầu các chủ sở hữu người Trung Quốc trong nền tảng này phải chuyển giao cổ phần hoặc đối mặt với lệnh cấm.
Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố, việc ép buộc bán cổ phần TikTok sẽ “gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của các nhà đầu tư khắp thế giới, trong đó có Trung Quốc, khi đầu tư vào Mỹ”, và Trung Quốc sẽ phản đối việc bán cổ phần như vậy.
Một số nghị sĩ dựa vào những phát biểu của Trung Quốc để gạt bỏ khẳng định của TikTok rằng ứng dụng này không liên quan đến Chính phủ Trung Quốc.