Điểm nhấn giáo dục: Hơn 300 giáo viên Hà Nội bức xúc vì mất cơ hội tăng lương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hơn 300 giáo viên Hà Nội bức xúc vì mất cơ hội tăng lương; Đạt dưới 1 điểm mỗi môn thi vẫn trúng tuyển vào lớp 10 công lập ở Ninh Thuận; Kỷ luật hiệu trưởng đánh giáo viên ngay tại trường... là những thông tin giáo dục nổi bật trong tuần qua.

Hơn 300 giáo viên Hà Nội bức xúc vì mất cơ hội tăng lương

Vừa qua, hơn 300 giáo viên tại Hà Nội đã nộp đơn kiến nghị về Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT khi quy định mới khiến họ mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến cho ngành.

Theo các thông tư của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên công lập, giáo viên được chia thành ba hạng I, II, III. Tương ứng với từng hạng, giáo viên có mức lương khác nhau.

Trong đó, giáo viên tiểu học, THCS hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III từ 9 năm trở lên. Thời gian giữ hạng III được tính từ lúc giáo viên đạt trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng, giáo viên tiểu học và THCS phải có bằng đại học.

Trong văn bản hướng dẫn tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên công lập Sở Nội vụ Hà Nội hôm 18/7 vừa qua cũng nêu rất rõ điều này.

Trong đơn kiến nghị, các giáo viên cho biết, hiện Sở Nội vụ Hà Nội đang triển khai thu hồ sơ dự thăng hạng cho giáo viên theo Thông tư 08 và yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học từ năm 2014, đủ 9 năm tính đến hết thời gian nộp hồ sơ 30/8/2023 theo công văn 1783/SNV- CCVC.

Với quy định này, nhiều giáo viên đã đạt trên chuẩn trước khi bổ nhiệm xếp lương hạng III mới (tức có bằng đại học trước năm 2019 theo Luật Giáo dục) vẫn không đủ điều kiện nộp hồ sơ.

Liên quan đến những bức xúc của giáo viên, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết đã nhận được đơn kiến nghị về vướng mắc trong triển khai Thông tư 08 về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên.

"Bộ GD-ĐT đang tập hợp ý kiến, trao đổi với Bộ Nội vụ để thống nhất ý kiến theo quy định của pháp luật nhằm đưa ra hướng dẫn trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cao nhất cho giáo viên để các thầy cô yên tâm công tác.

Đạt dưới 1 điểm mỗi môn thi vẫn trúng tuyển vào lớp 10 công lập ở Ninh Thuận

Thi tuyển 3 môn, trong đó 2 môn Toán, Văn nhân hệ số 2 cộng với điểm rèn luyện 4 năm học và điểm ưu tiên nhưng nhiều trường trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận vẫn có điểm chuẩn khá thấp, thí sinh chỉ cần đạt trên, dưới 1 điểm mỗi môn trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua là có thể đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập. (xem chi tiết)

Kỷ luật hiệu trưởng đánh giáo viên ngay tại trường

UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội vừa có quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Lê Thành Đô - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Nghĩa. Cụ thể, UBND huyện Mỹ Đức xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Lê Thành Đô - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Nghĩa, thời gian thi hành kỷ luật là 12 tháng.

Ông Lê Thành Đô trước đó đã có hành vi đấm vào mặt bà Nguyễn Thị Lan - giáo viên Trường Tiểu học Đại Nghĩa, gây sưng nề, bầm tím vùng mặt trái và sưng nề thái dương trái.

Hành vi của ông Lê Thành Đô vi phạm Điều 22, Luật Giáo dục năm 2019. Bên cạnh đó, ông này vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo, những điều Đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mỹ Đức cũng cho biết UBND huyện đã quyết định điều chuyển ông Lê Thành Đô về công tác tại Trường Tiểu học Tuy Lai B (huyện Mỹ Đức) và giữ chức vụ phó hiệu trưởng.

Lãnh đạo trường mầm non lên tiếng vụ giáo viên rửa khay ăn của trẻ bên bồn cầu

Liên quan sự việc các giáo viên một trường mầm non ở Nghệ An rửa khay đựng thức ăn của trẻ bên bồn cầu, lãnh đạo nhà trường đã xin lỗi phụ huynh.

Ngày 28/7, thông tin từ Hệ thống Trường Mầm non Viet Sing (TP Vinh, Nghệ An) cho biết, đơn vị đã phát thông báo chính thức liên quan đến những hình ảnh khiến phụ huynh bức xúc xảy ra tại một trường trực thuộc. (xem chi tiết)

Hà Nội: Hiệu trưởng được trao quyền quyết định chuyển trường cho học sinh

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ký quyết định phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, trong đó quyền giải quyết việc chuyển trường được trao cho hiệu trưởng các trường THPT.

Cụ thể, Giám đốc Sở GD&ĐT phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cho Hiệu trưởng các trường THPT và trường THPT có nhiều cấp học thuộc thẩm quyền quản lý của sở đối với các thủ tục hành chính gồm: chuyển trường đối với học sinh THPT và xin học lại tại trường khác đối với học sinh THPT. (xem chi tiết)

Lại tranh cãi chuyện sách giáo khoa: Bộ GD&ĐT không nên 'vừa đá bóng vừa thổi còi'

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, không nên có thêm bộ sách do Bộ GD&ĐT biên soạn trong bối cảnh thực hiện xã hội hóa như hiện nay.

Vấn đề Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) mới đây được nhắc lại và tranh luận tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK. (xem chi tiết)

MỚI - NÓNG