Di sản văn hóa phi vật thể và những nghịch lý trong bảo tồn

TP - Không thể phủ nhận những thành tựu đã đạt được của Nhà nước và cộng đồng từ nhiều năm qua, nhưng cũng dễ nhận ra những nghịch lý trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản hiện nay.
Di sản văn hóa phi vật thể và những nghịch lý trong bảo tồn ảnh 1

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Ðáng lý ra, phải bắt đầu từ gốc thì chúng ta đang tập trung vào cái ngọn

Nhiều di sản văn hóa đang đứng trước nguy cơ không thể bảo tồn do bị triệt tiêu các điều kiện tự nhiên và môi trường xã hội của nó. Ví dụ như không gian văn hóa cồng chiêng được người dân các tộc người Tây Nguyên sáng tạo, trao truyền trong cuộc sống gắn bó chặt chẽ với đại ngàn, với cộng đồng buôn làng. Mất rừng, mất cấu trúc buôn làng cổ truyền là mất không gian sáng tạo và nuôi dưỡng nó, không gian văn hóa cồng chiêng sớm muộn sẽ bị mai một. Tương tự như vậy, văn hóa biển được hình thành từ các làng nghề cá. Việc quy hoạch các khu nghỉ dưỡng ven biển ở nhiều địa phương hiện nay đang làm làm mất bến thuyền, cảng cá truyền thống. Như vậy, đương nhiên các làng chài sẽ chết, và di sản văn hóa biển sẽ mất theo… Muốn bảo tồn văn hóa biển, trước hết cần bảo vệ các làng chài.

Di sản văn hóa phi vật thể và những nghịch lý trong bảo tồn ảnh 2 Dân ca Ví giặm. Ảnh trong bài: Nguyễn Á.

Quan phương hóa sự sáng tạo của cộng đồng

Chủ thể của hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể đều là nhân dân, là cộng đồng nhưng với tất cả các di sản đã được công nhận hiện nay, Nhà nước đều đang quá ôm đồm trong công tác bảo tồn. Trong xã hội truyền thống, việc bảo tồn dân ca quan họ Bắc Ninh là hoạt động tự giác của các “liền anh, liền chị” xứ Kinh Bắc; ví, giặm là sự thăng hoa của các bà mẹ, của những người nông dân hoặc thợ dệt vùng Nghệ Tĩnh; đờn ca tài tử, đúng như tên gọi của nó, là thú chơi của các tài tử yêu ca hát đất phương Nam. Việc nhà nước đứng ra tổ chức thành các câu lạc bộ và đầu tư kinh phí từ ngân sách quốc gia để nuôi dưỡng, duy trì hoạt động sẽ “lề hóa” những người yêu ca hát tự do và làm mất đi sự thuần khiết vốn có trong văn hóa truyền thống.

Cộng đồng sáng tạo nhưng doanh nghiệp hưởng lợi

Từ lâu, các di sản văn hóa, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể, đã được coi là một nguồn vốn xã hội trong phát triển. Giá trị văn hóa bổ sung/góp phần làm giàu nguồn lực xã hội, thông qua đó nó tạo nên giá trị kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương các tri thức/sáng tạo của cộng đồng đang bị lạm dụng. Người Dao Ðỏ ở Sa Pa là chủ nhân của các bài thuốc tắm nổi tiếng với nhiều công dụng khác nhau. Người Hoa ở Sóc Trăng là chủ nhân của bánh pía, được coi là đặc sản độc nhất vô nhị. Nhưng việc sản xuất đại trà và đưa các sản phẩm đó đến đông đảo người tiêu dùng hiện nay lại là các doanh nghiệp và chủ thể của các sáng tạo đó không được hưởng bất cứ nguồn lợi nào từ bản quyền. Hiện tượng này phổ biến ở tất cả các di sản và ở mọi địa phương.

Di sản văn hóa phi vật thể và những nghịch lý trong bảo tồn ảnh 3 Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ.

Chưa thực sự chú trọng bảo tồn các di sản chưa được công nhận

Có một thực tế không thể phủ nhận: sự ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách cá nhân hoặc tính độc đáo địa phương lại cơ bản thuộc về các di sản văn hóa chưa được công nhận. Ðó là nếp sống gia đình, gia quy dòng họ, là hương ước của mỗi làng quê, là truyền thống trọng lão, tình làng nghĩa xóm, lá lành đùm lá rách…; và hàng trăm truyền thống khác từ lâu vẫn tồn tại và hun đúc nên khí chất Việt. Chính trong môi trường tự nhiên và xã hội quen thuộc, với nếp sống gia đình/dòng họ/thôn làng và truyền thống giáo dục cộng đồng, nhân cách mỗi người mới được hình thành và phát triển. Gần đây, nhà văn Nguyễn Thị Hồng Ngát, trên Tuần Việt Nam, có đặt vấn đề phải chăng “vốn xã hội của chúng ta đang nghèo đi?” Hiển nhiên không phải vậy. Với sự phát triển như hiện nay, vốn xã hội của chúng ta đang giàu lên. Chỉ tiếc rằng, trong khi cố gắng tiệm cận/tiếp thu vốn liếng chung của nhân loại, nhiều người trong chúng ta lại đang bỏ qua những giá trị mà cha ông để lại.

*

*      *

Với các di sản văn hóa phi vật thể, nếu nó còn hữu ích, cộng đồng sẽ tự biết cách bảo tồn và phát triển. Nếu nó không còn ý nghĩa thực tiễn, hãy bảo tồn nó dưới dạng hiện vật bảo tàng. Trong quá trình bảo tồn, Nhà nước chỉ cần tạo ra khung pháp lý, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ về phương pháp, kỹ năng nhưng không nên can thiệp quá sâu làm mất đi tính chủ động sáng tạo của cộng đồng.

Với tư cách là một nguồn vốn xã hội, các di sản văn hóa đương nhiên phải được coi là đầu vào quan trọng cho việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Nhưng đừng quên rằng, cũng như các nguồn vốn khác, vốn di sản văn hóa luôn là hữu hạn. Nếu không được khai thác hợp lý, không có sự bù đắp, tái tạo, bổ sung, một ngày nào đó, các di sản văn hóa phi vật thể chỉ còn là những vở kịch khô cứng và nhạt nhẽo.

MỚI - NÓNG