Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội về việc phương án di chuyển và trồng thay thế cây xanh tại phố Vũ Tuấn Chiêu (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ).
Theo đó, qua rà soát cây xanh trên tuyến đường - thuộc khu vực tổ chức các hoạt động văn hóa biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực của phố đi bộ Trịnh Công Sơn, theo phân cấp do thành phố quản lý.
Hiện cây xanh ở đây không đồng đều chủng loại, không thuộc chủng loại cây trồng đường phố gồm 40 cây nhãn cong nghiêng, già cỗi, nổi rễ; ngoài ra còn các loại cây không thuộc chủng loại cây trồng đô thị như: cây keo, cây bàng...
40 cây nhãn tuổi từ 20 - 30 năm sẽ được đánh chuyển |
Do đó, để đảm bảo đồng bộ hệ thống cây xanh, đảm bảo cảnh quan đô thị cho tuyến phố, UBND quận Tây Hồ đề xuất di chuyển, chặt hạ và trồng thay thế 40 cây nhãn, 8 cây keo, 4 cây chiêu liêu, 2 cây bàng, 1 cây dướng có độ tuổi từ 20-30 năm do người dân tự trồng trước đó.
Việc di dời nhằm tạo sự đồng bộ cây xanh trên toàn tuyến phố, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan đô thị khu vực góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch quận Tây Hồ. Các cây sau khi đánh chuyển sẽ được trồng tại vườn ươm Song Phượng (xã Song Phượng, huyện Đan Phượng). Thời gian chăm sóc cây theo quy định là 2 năm trước khi cây được dịch chuyển trồng cố định tại nút giao Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (đường Võ Nguyên Giáp).
Thay thế vào vị trí cây di chuyển là loạt cây giáng hương đường kính 25-30cm, chiều cao khoảng 8m. Tại tuyến đường có sẵn 20 cây giáng hương với kích thước, chiều cao tương đương sẽ được giữ nguyên.
Phố Vũ Tuấn Chiêu là trục chính trong không gian đi bộ Trịnh Công Sơn |
Việc tạo sự đồng bộ về cây xanh trên không gian đi bộ Trịnh Công Sơn là điều kiện cần để không gian này mở cửa trở lại vào hè năm nay.
Ông Nguyễn Hữu Mạnh (60 tuổi, phường Nhật Tân) cho biết, trước đây khi chưa có tên phố, ở đây vẫn là con đường đất được đặt tên là đường Rặng Nhãn. Có tên như vậy, do hàng chục năm trước người dân tự trồng tạo bóng mát nghỉ ngơi. Ông Mạnh và nhiều người dân bày tỏ đồng tình với kế hoạch di dời loạt cây nhãn bởi theo ông Mạnh, các cây nhãn không được chăm sóc đã già cỗi, sâu bệnh, không đồng bộ.
"Tôi đề nghị nên thay đồng loạt cây cả bên phố Trịnh Công Sơn, hiện phố cùng nằm trong không gian đi bộ nhưng cây bàng, cây hoa sữa... không đồng đều", ông Mạnh kiến nghị.