Ngày 16/6, ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, ngày 22/7 tới, Vinatex sẽ chính thức phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO), tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM.
Theo phương án cổ phần hóa Vinatex được Thủ tướng phê duyệt, vốn điều lệ của tập đoàn là 5.000 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước giữ 51% và bán 49% (24% bán cho nhà đầu tư chiến lược; 24,4% bán đấu giá công khai; 0,6% bán cho người lao động).
Trả lời câu hỏi về việc Vinatex làm gì để giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, ông Lê Tiến Trường cho biết, hiện, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang nhập hàng từ Trung Quốc. Như Mỹ nhập khẩu 37% dệt may và 83% da giày từ Trung Quốc; châu Âu cứ 10 đôi giày có 6 đôi nhập từ Trung Quốc... Do đó, nói ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc là chưa công bằng.
Lý do, theo ông Trường, vì việc nhập khẩu liên quan đến chuỗi cung ứng thế giới. Trung Quốc hiện là công xưởng của thế giới. Do đó, nếu đa dạng hóa nguồn cung cho ngành dệt may không thể làm được trong 1 năm.
Do đó, trong suốt 10 năm qua, ta nhập từ Trung Quốc tới hơn 80%, nhưng hiện tỷ lệ chỉ còn 37%. Chúng ta đã hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc rất lớn. Về dài hạn, phải đa dạng nguồn cung và tăng tỷ lệ nội địa hóa trong nước. “Nếu đến năm 2020, tỷ lệ nội địa hóa đạt 60%, tự nhiên sẽ giảm nhập khẩu từ Trung Quốc”, ông Trường nói.