Đề nghị Bộ TN&MT báo cáo cụ thể việc nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ TN&MT bổ sung đánh giá việc ban hành quy trình tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, đối thoại với công dân.

Ngày 1/4, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh Bộ TN&MT là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo. Qua giám sát, trao đổi, Đoàn hy vọng sẽ có được bức tranh toàn cảnh về khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, những vấn đề trong thực hiện Luật Đất đai làm phát sinh khiếu nại, tố cáo và hiệu quả trong tổ chức thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

Đồng thời, đánh giá chính xác hơn kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, từ đó làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai, tài nguyên môi trường, nâng cao năng lực, trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Đề nghị Bộ TN&MT báo cáo cụ thể việc nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ việc triển khai, quán triệt, cụ thể hóa các văn bản của Đảng, Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong lĩnh vực ngành; làm rõ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ TN&MT trong thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật Tố cáo, trong quản lý đối với lĩnh vực đất đai để đảm bảo không phát sinh vi phạm, hạn chế khiếu nại, tố cáo; trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; công tác tổ chức tiếp công dân và tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân…

Ông Phương cũng đề nghị Bộ TN&MT đánh giá, nêu rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập, nguyên nhân khách quan, chủ quan ở tầm vĩ mô quản lý nhà nước. Đồng thời cần thống kê đầy đủ, rõ ràng chi tiết về những kiến nghị liên quan đến việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đất đai các Luật khác có liên quan trong phạm vi quản lý của ngành tài nguyên môi trường.

Trình bày Báo cáo kết quả đánh giá bước đầu đối với báo cáo của Bộ TN&MT, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế, Tổ trưởng Tổ công tác Bùi Thị Quỳnh Thơ cho biết, báo cáo đã phản ánh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ trong 5 năm qua; cung cấp nhiều số liệu cụ thể để minh chứng cho các đánh giá, nhận định về tình hình thực hiện, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016 – 2021.

Đề nghị Bộ TN&MT báo cáo cụ thể việc nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo ảnh 2

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề tại buổi làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, Tổ công tác nhận thấy vẫn còn một số nội dung trong báo cáo còn nêu chung chung, chưa cụ thể, chưa phân tích, đánh giá đầy đủ. Do đó, Tổ công tác đề nghị Bộ TN&MT bổ sung, làm rõ một số vấn đề chưa được thể hiện trong báo cáo gửi Đoàn giám sát. Cụ thể, về kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổ công tác đề nghị Bộ bổ sung đánh giá việc ban hành quy trình tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, đối thoại với công dân.

Đối với việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai theo thẩm quyền, Tổ công tác đề nghị, Bộ đánh giá bổ sung về các vụ việc còn tồn đọng, chưa giải quyết và gửi kèm phụ lục tóm tắt sơ lược nội dung các vụ việc còn tồn đọng; tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo vượt cấp, nguyên nhân và đề xuất giải pháp trong thời gian tới; việc thực hiện rà soát giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai theo Kế hoạch số 363 ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ.

Tổ công tác cũng đề nghị Bộ gửi kèm danh sách vụ việc, tóm lược nội dung vụ việc rà soát, kết quả rà soát, thống kê vụ việc tồn đọng và đề xuất giải pháp trong thời gian tới nhằm hạn chế phát sinh các vụ việc phức tạp, kéo dài…

Thảo luận tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, các nội dung báo cáo của Bộ TN&MT đã bám sát đề cương, phụ lục, bảng biểu theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Báo cáo đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể về hoàn thiện pháp luật, tổ chức bộ máy.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, các giải pháp nêu trong báo cáo còn chung chung, đề nghị Bộ kiến nghị giải pháp cụ thể hơn nhằm giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, nhất là những trường hợp công dân tiếp tục khiếu nại về tranh chấp đất đai do ngại khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính ra Tòa án.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề nghị, Bộ cần đánh giá thêm trường hợp công dân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây mất trật tự an ninh, trật tự, thậm chí để vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận báo cáo của Bộ TN&MT đã bám sát đề cương, cung cấp nhiều số liệu, bảng biểu theo yêu cầu, là cơ sở cho Đoàn giám sát đưa ra nhận định, đánh giá sát thực tiễn; đưa ra những đề xuất kiến nghị sửa đổi pháp luật trong lĩnh vực này.

Ông Phương đề nghị Bộ TN&MT tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu tại cuộc làm việc, tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng làm rõ hơn nữa các nội dung về kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận xử lý đơn thư, đối thoại với công dân, đặc biệt là trách nhiệm của Bộ trong tham mưu Thủ tướng Chính phủ giải quyết khiếu nại tố cáo nói chung và các vụ việc tồn đọng nói riêng; hoàn thiện và gửi báo cáo bổ sung cho Đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất, qua đó Đoàn giám sát sẽ xây dựng hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát chuyên đề, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.