Sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ nghìn tỷ chưa phải sử dụng, có nên duy trì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Từ khi hình thành đến giờ là hơn 1.000 tỷ, chúng tôi muốn giữ Quỹ này để can thiệp khi doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản để bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu.

Ngày 29/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến về dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Một lần nữa, vấn đề Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm tiếp tục nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội.

Không đồng tình duy trì Quỹ này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, điều này sẽ tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm. Về số dư của Quỹ còn lại, đại biểu đề nghị nên giao lại cho Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng.

Sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ nghìn tỷ chưa phải sử dụng, có nên duy trì? ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, do pháp luật quy định chỉ sử dụng Quỹ để xử lý khi phá sản nên “không bao giờ thực hiện được”. Do Bộ Tài chính đề nghị giữ lại Quỹ này, nên ông Thành đề nghị cơ quan soạn thảo cần báo cáo, giải trình rõ hơn những nội dung liên quan đến hoạt động Quỹ này.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói, Quỹ dự trữ bắt buộc được trích từ 5% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm và do cơ quan bảo hiểm quản lý. Còn Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện quy định trích 0,3% và nộp vào tài khoản do Bộ Tài chính quản lý.

“Từ khi hình thành đến giờ là hơn 1.000 tỷ, chúng tôi muốn giữ Quỹ này để can thiệp khi doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản để bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm”, ông Phớc nói.

Cũng theo Bộ trưởng, nhiều ngân hàng quản lý rủi ro, thua lỗ thì phải có sự can thiệp kịp thời. Tương tự, khi doanh nghiệp bảo hiểm khó khăn thì Quỹ này dùng để can thiệp. “Quốc hội quyết định bỏ thì phải bỏ, nhưng chúng tôi nghĩ duy trì quỹ này sẽ đảm bảo được lợi ích, tính chủ động và là một công cụ cho cơ quan nhà nước khi can thiệp vào”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhắc lại yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trước 1/4, Chính phủ có ý kiến về Quỹ này để cơ quan thẩm tra có cơ sở báo cáo. Theo ông, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị dừng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

“Sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau (khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro. Do đó đã nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp và kiểm soát tài chính, tăng cường yêu cầu đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp can thiệp sớm”, ông Thanh lý giải.

Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 2 Quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc duy trì đồng thời cả 2 Quỹ là không cần thiết. Vì vậy, cơ quan này đề nghị dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Dự án luật này sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 3, khai mạc vào tháng 5.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.