Cần tiếng nói từ lương tri
Ngày 26/5, phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại diễn đàn Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi là người đầu tiên nêu quan điểm về vụ xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương. “Qua xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương, tôi rất băn khoăn, kết tội thế này rất ảnh hưởng tới nền y tế. Cá nhân tôi cho rằng, bác sỹ Hoàng Công Lương có thể vô tội”, ông Lợi nêu quan điểm, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nói thêm về vấn đề này.
Sau đó ít phút, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, đoàn Hòa Bình, nơi đang diễn ra phiên xử bác sỹ Hoàng Công Lương tranh luận vấn đề này. Theo ông Sinh, thời gian qua có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá, kết luận “có oan sai”, dẫn dắt dư luận. Theo đại biểu đoàn Hòa Bình, việc phát ngôn như vậy trong khi toà đang xét xử là cảm tính. Bởi lúc này, tòa án vẫn đang trong quá trình xét xử, tranh tụng, luận tội và chưa đưa ra một phán quyết nào cả.
“Việc phát ngôn như vậy không đem lại sự thuận lợi và sự giải quyết đúng đắn trong xét xử của hội đồng xét xử, nơi nhân danh quyền lực nhà nước, tạo sức ép không cần thiết lên hoạt động đúng đắn của các cơ quan tham gia giải quyết vụ án…”, ông Sinh nhấn mạnh, đồng thời nói thêm rằng, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và các văn bản liên quan rất chặt chẽ để bảo vệ đầy đủ quyền con người.
Ngay sau phần phát biểu này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội tranh luận rằng, không thể quy tội cho một người thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi họ thực hiện đúng chức trách. “Chúng ta không thể xử một người về trách nhiệm mà họ không được giao; không thể truy tội cho một người thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi họ thực hiện quy trình mà quy trình đó không có, đúng ra là vừa ban hành vào tháng 4/2018”, Giám đốc Viện Tim Hà Nội nêu quan điểm.
Ông Tuấn còn nhấn mạnh rằng không thể quy trách nhiệm bác sĩ chỉ biết cứu người với những công việc họ không được giao, kỹ năng họ không được đào tạo đó là chuẩn hoá nguồn nước RO trong thành phần chạy thận nhân tạo. Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn mong phiên xử sẽ mang lại tiếng nói công minh, mang lại lòng tin với các nhân viên y tế, cũng như tiếng nói từ lương tri, khách quan để bảo vệ công lý, bảo vệ cho các thầy thuốc đang ngày đêm cứu chữa người bệnh.
Cùng ấn nút tranh luận, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM), cũng là một đại biểu trong ngành y có cùng quan điểm với đại biểu Tuấn. “Ở đây chúng tôi không nói đến chuyện đúng hay sai, khi chúng tôi trả lời báo chí, phát biểu quan điểm của mình là thể hiện đại biểu của nhân dân, chứ không phải là định hướng cho tòa. Tất cả đều là con người và tòa cũng có thể có những sai lầm, hoặc chưa lắng nghe ý kiến của tất cả các bên. Thông qua nghị trường Quốc hội và báo chí, các đại biểu phát biểu và chịu trách nhiệm về phát biểu của mình”, bà Lan quả quyết.
Cũng theo đại biểu, trước đây cũng đã có những “tiền lệ”, chẳng hạn, nếu không có dư luận, không có những phân tích thì vụ án VNPharma, có được tòa cấp cao xem xét lại không? “Chúng ta đang sống trong xã hội dân chủ và tất cả các ý kiến đều được tôn trọng”, bà Lan nói, đồng thời mong chờ các cơ quan ở Bộ Y tế, Sở Y tế, các ngành các cấp có tiếng nói bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật, bảo vệ cho nhân viên của mình nếu họ làm đúng.
Sau phát biểu này vẫn còn một số đại biểu giơ biển mong muốn tiếp tục tranh luận. Chốt lại phần này, người điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hiển Phùng Quốc Hiển nói, vụ việc đang trong quá trình tố tụng, các ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như dư luận, cử tri sẽ được các cơ quan chức năng nghiên cứu xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Kiên quyết xử lý cán bộ nâng đỡ không trong sáng
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đồng tình với phương châm 10 chữ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” mà Chính phủ đề ra, trong đó đặt kỷ cương lên hàng đầu. Theo ông Nhưỡng, đây là quan điểm hợp lý vì hành pháp là nhánh quyền lực rất mạnh, đa nhiệm đa năng mà nếu không kỷ cương trong điều hành thì sẽ rơi vào tình trạng “sai một ly, đi một dặm”.
Chính phủ là cơ quan phải chịu trách nhiệm với sự giàu mạnh hay nghèo yếu của đất nước, sự hạnh phúc của nhân dân, sẽ không thể trụ vững trước những đòi hỏi của xã hội, của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng… nếu không giữ được kỷ cương.
Chính phủ cần tiếp tục phương châm hành động và kiên quyết bám theo 10 chữ vàng đã đề ra. Đó là định hướng cho hành động và là bảo bối của thành công.
Tuy nhiên, điều mà cử tri và nhân dân quan tâm là làm thế nào để nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng đời sống của nhân dân. Điều đó đòi hỏi tinh thần tập trung cao độ trong định hướng điều hành vĩ mô, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối như cầu cống, đường sá, sân bay, cảng biển để tạo nên huyết mạch cho giao thông, để hình thành, nuôi dưỡng nền kinh tế. “Làm sao phải xây dựng được nền kinh tế nhân văn, một nền sản xuất, kinh doanh có đạo đức”, ông Nhưỡng nói và cho rằng không kiếm tiền bằng mọi giá, không chạy theo lợi nhuận bằng cách đầu độc con người.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, sự đi sâu, đi sát cơ sở của Thủ tướng trong thời gian qua tạo nên sự động viên lớn với người dân. Thủ tướng đã lập 1 tổ giúp việc và 2 cơ quan tư vấn nhưng đại biểu vẫn băn khoăn về nhiều việc Thủ tướng đã chỉ đạo mà cấp thực hiện vẫn án binh bất động. Ông cho rằng cần đếm từng việc để đánh giá được kết quả công việc của từng bộ, ngành địa phương, truy cứu trách nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ, để hạn chế tình trạng “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh” hiện nay.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ đồng tình việc Thủ tướng sử dụng thẩm quyền để kiên quyết xử lý cán bộ không làm việc. “Tôi đề nghị và ủng hộ cao việc Thủ tướng sử dụng thẩm quyền được nhân dân và Quốc hội giao đứng đầu hệ thống cơ quan hành pháp để kiên quyết xử lý các cán bộ theo thẩm quyền, trước hết có thể tạm đình chỉ những cán bộ lãnh đạo hành dân, hành doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong thu, chi ngân sách nhà nước, sử dụng vốn ODA, xử lý cát tặc… Nhân dân và cử tri rất mong chờ có sự chuyển biến nhanh chóng trong vấn đề này”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đề cập đến 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong số 12 dự án này có 6 dự án đã dừng sản xuất hoặc sản xuất kinh doanh không có hiệu quả. Trong 6 dự án còn lại, 2 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh đã khôi phục lại được và có lãi, mặc dù lãi còn ở mức khiêm tốn nhưng đã bắt đầu tham gia lại thị trường và hoạt động có hiệu quả. Đó là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 của Hải Phòng và dự án Nhà máy thép Việt Trung. Đặc biệt dự án thép Việt Trung về cơ bản trong một thời gian ngắn nữa có thể xin phép đưa ra khỏi 12 dự án này vì đã hoạt động trở lại bình thường và đã khắc phục được những tồn tại cơ bản, cả về điều lệ, cả về mặt pháp lý cũng như quản trị của doanh nghiệp.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề cập đến nhiều chính sách thuế được quan tâm trong thời gian qua. Về thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Dũng cho biết, sẽ nghiên cứu theo hướng mở rộng các đối tượng, mở rộng cơ sở thu thuế, điều chỉnh mức thuế hợp lý, phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và định hướng tiêu dùng trong tình hình mới. Đối với thuế tài sản, sẽ tiếp tục nghiên cứu theo hướng tạo công bằng xã hội và thêm cơ sở để quản lý xã hội, cũng như định hướng thị trường, đảm bảo công khai minh bạch tài sản phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng. “Mục tiêu về tăng thêm cho ngân sách là một mục tiêu thứ yếu và chúng tôi, với phương án nghiên cứu ban đầu trình có nhiều ý kiến chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh trong thời gian tới”, ông Dũng nói.