Đấu thầu hay o bế thầu?

Mặc dù hẹn chúng tôi đầu giờ chiều đến bán hồ sơ nhưng mãi đến 14 giờ mới có người đến mở cửa phòng và vẫn không bán hồ sơ.
Mặc dù hẹn chúng tôi đầu giờ chiều đến bán hồ sơ nhưng mãi đến 14 giờ mới có người đến mở cửa phòng và vẫn không bán hồ sơ.
TP - Trong vai người của doanh nghiệp đến mua hồ sơ dự thầu, chúng tôi bị chặn ngay cổng vào bởi người của nhà thầu bản địa. Khi lọt qua được “cửa ải” này chúng tôi không thể nào tiếp cận được người bán hồ sơ dự thầu của ban quản lí dự án. Nhiều chiêu thức đã được bày sẵn để đẩy đuổi những nhà thầu không nằm trong tầm ngắm.

Điệp khúc đi vắng...


Mặc dù Ban quản lí dự án Quản lí thiên tai (WB5/VN-Haz) tỉnh Quảng Trị thông báo bán hồ sơ mời thầu rộng rãi gói thầu “Kè bảo vệ xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong” từ ngày 9/1 đến 9/2, nhưng hàng loạt doanh nghiệp đến từ Hà Nội, Hà Nam, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế sau nhiều ngày chầu chực đành phải “trắng tay” ra về, vì người chịu trách nhiệm bán hồ sơ mời thầu thường xuyên “đi vắng”.

Để tìm hiểu chân tướng sự việc, PV Tiền Phong bám theo một doanh nghiệp ở Quảng Bình đến ban quản lí dự án này mua hồ sơ dự thầu.
Sáng sớm, vừa bước qua cổng trụ sở Ban quan lí dự án Quản lí thiên tai tỉnh Quảng Trị, nằm trên đường Lê Duẩn, TP Đông Hà, một người đàn ông đuổi theo chặn ngay trước mặt, giọng nhỏ nhẹ: “Các anh vào mua hồ sơ phải không ạ? Cho em trao đổi một tí”. Người này tự giới thiệu mình là người của Công ty Trường Danh (Quảng Trị), xin chúng tôi đừng mua hồ sơ, đổi lại ông ta sẽ chi tiền xăng xe và công đi lại. “Dự án này bọn em theo từ đầu rồi mong các anh thông cảm. Bọn em cũng hay ra Quảng Bình đấu thầu, nhưng anh em ngoài đó nói một tiếng là bọn em rút về ngay”.

Nếu không được “chỉ điểm” từ trước thì chúng tôi không thể tìm ra phòng nào bán hồ sơ mời thầu của dự án. Toàn bộ tầng 3 của tòa nhà có chừng mươi phòng, nhưng hơn một nửa không có bảng hiệu treo trước cửa phòng. Đẩy nhẹ cửa bước vào, bốn nhân viên trong căn phòng chật ních hồ sơ nhìn chúng tôi không nói, không rằng. Khi chúng tôi trình bày đến mua hồ sơ dự thầu, một nữ nhân viên ngồi gần cửa ra vào nói: “Anh bán hồ sơ vừa đi ra ngoài, có gì anh để lại giấy giới thiệu và số điện thoại, lúc nào anh ấy về sẽ gọi cho anh”.

Biết đây là chiêu từ chối khéo, chúng tôi xin tên và số điện thoại của người bán hồ sơ để liên lạc, cả 4 người trong phòng trả lời ráo hoảnh: “Bọn tôi ngồi cùng phòng nhưng khác ban. Khi nào về thì họ gọi, cuối năm cuối tháng người ta nhiều việc chứ có phải một việc bán hồ sơ đâu!”. Sau gần hai tiếng đồng hồ, chúng tôi quay trở lại, vẫn nữ nhân viên lúc trước với điệp khúc “anh bán hồ sơ vừa đi ra ngoài”. Đi hết lượt tầng 1, đến tầng 2, chúng tôi không thể tìm ra phòng ông giám đốc quản lí dự án, bởi không có bảng hiệu. Hỏi ai cũng chung một câu trả lời “lên trên mà tìm”. Sau một hồi lâu dò hỏi chúng tôi mới biết phòng ông Hòe giám đốc nằm ở tầng 2, gần cuối hành lang. Căn phòng này, không có biển hiệu, cửa khép kín, gõ cửa, gọi điện đều không có ai trả lời. 

Ngay cạnh phòng của ông Hòe là phòng của ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị, chúng tôi đánh liều gõ cửa bước vào. Sau gần 20 phút liên tục gọi điện thoại hết người này sang người khác, ông Bài mới rời khỏi ghế sang tiếp chúng tôi. Khi chúng tôi phản ánh có dấu hiệu ém hồ sơ để thông thầu, ông Bài bốc điện thoại gọi cho ông Hòe, rồi nói với chúng tôi đầu giờ chiều đến họ sẽ bán hồ sơ.

Bất tuân chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh

Đúng 13 giờ 30 phút, chúng tôi có mặt ở phòng bán hồ sơ, nhưng cửa vẫn khóa ngoài. Đến 14 giờ, một người đàn ông đến mở cửa và đã nổi nóng khi chúng tôi hỏi mua hồ sơ. Mãi đến 15 giờ, trong phòng mới đủ 4 người như buổi sáng. Một nhân viên nữ khác vẫn câu trả lời cũ “anh bán hồ sơ mới đi ra ngoài”.

Đấu thầu hay o bế thầu? ảnh 1 Khi biết chúng tôi là nhà báo, những người trong phòng lần lượt bỏ đi hết
Trước thái độ làm việc của những cán bộ này, chúng tôi gọi điện thoại cho ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phản ánh tình hình, ông Chính hứa sẽ kiểm tra, chỉ đạo. Tuy nhiên, sau một hồi chờ đợi sự chỉ đạo từ ông Chủ tịch tỉnh, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được câu “anh bán hồ sơ vừa ra khỏi phòng”. 

Lần thứ hai điện cho ông Chủ tịch tỉnh với những trao đổi thẳng thắn hơn, ông Chính nói mình đã chỉ đạo ông Bài, Giám đốc Sở NN&PTNT và sẽ tiếp tục chỉ đạo. Đợi một lúc, chúng tôi trở lại phòng bán hồ sơ, người đàn ông ngồi trong cùng yêu cầu đưa giấy giới thiệu. Chúng tôi thắc mắc, tại sao anh ngồi đây từ sáng tới giờ lại không lên tiếng, mà nói “anh bán hồ sơ đi ra ngoài”. Người đàn ông này im lặng, lật giấy giới thiệu ra xem, rồi buông một câu: “Hồ sơ hết rồi, mấy hôm nữa anh
quay lại”.

Thấy chúng tôi bất bình, người này bỏ ra ngoài. Ngay sau đó một người đàn ông “lạ” đi vào nói: “Hết hồ sơ là hết hồ sơ. Người ta nói hết hồ sơ rồi, các anh còn ngồi đây làm chi?”. Trước thái độ mất lịch sự của người này, chúng tôi yêu cầu người này xưng danh, chức vụ trong ban, anh ta thách thức: “Các anh không cần biết tôi là ai”. Rồi người đàn ông này rời khỏi phòng. Một lúc sau 3 người còn lại trong phòng cũng bỏ đi mà không nói một lời nào, mặc chúng tôi ngồi lại.

Trước thái độ bất tuân lệnh Chủ tịch tỉnh của những người này, chúng tôi tiếp tục điện thoại phản ánh với Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy và Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị. Đến lúc này, người bán hồ sơ mới quay lại và yêu cầu chúng tôi chờ phô tô hồ sơ. Tuy nhiên, sau một lúc người này đưa cho chúng tôi 1/3 quyển hồ sơ và nói: “Chỉ được từng này thôi, tui cũng hết sức, hết lực với các anh rồi đó”. 

Sau nhiều lần chạy như con thoi, hết phòng ông Hòe, đến phòng ông Bài, cuối cùng chúng tôi cũng có đủ bộ hồ sơ. Gặp lại chúng tôi, ông Bài buông lời: “Chú mày không bình tĩnh, tố cáo tao khắp tỉnh, sau này làm sao làm việc được với tao”.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.