Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Nhật Bản

Dấu mốc mới cho quan hệ Đối tác chiến lược

Trưa 29/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam tới Thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản. Ảnh: TTXVN.
Trưa 29/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam tới Thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản. Ảnh: TTXVN.
TP - Hôm qua, Nhật Bản đã dành nghi thức cấp cao nhất chào đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đến Thủ đô Tokyo với 21 loạt đại bác chào mừng. Ngay sau khi tới Tokyo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn Việt Nam đã đi thăm tỉnh Gunma, nơi có khoảng 7.000 người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc.  

Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao tình cảm của Thống đốc Masaki Osawa khi chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm sau khi ông tái nhậm chức vào năm 2015. Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo tỉnh Gunma thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với các địa phương của Việt Nam nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có thông qua  các hoạt động giao lưu nhân dân, thúc đẩy hợp tác du lịch, đầu tư của doanh nghiệp tỉnh Gunma vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, bảo quản hàng nông sản, công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ, tăng cường tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng, lao động Việt Nam sang làm việc tại tỉnh trong các ngành nông nghiệp và xây dựng.          

Thống đốc Masaki Osawa trao đổi với Chủ tịch nước Trần Đại Quang về tình hình hợp tác giữa tỉnh Gunma và Việt Nam thời gian qua, cho biết hiện có 12 doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam và tỉnh đang hỗ trợ gần 40 doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam thời gian tới.

Thống đốc Masaki Osawa khẳng định tỉnh Gunma muốn tiếp nhận nhiều hơn nữa các lao động chất lượng cao, thực tập sinh Việt Nam. Hiện đang có 7.000 người Việt Nam học tập và làm việc tại tỉnh Gunma.

Tại buổi tiếp, nhiều doanh nghiệp địa phương bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giáo dục, đặc biệt với các trường đại học của Việt Nam nhằm tạo ra nguồn nhân lực lành nghề, đáp ứng tiềm năng phát triển hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các địa phương và hai nước.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới thăm công ty Koganei Seiki Co., hoạt động trong lĩnh vực chế tạo động cơ máy bay, xe đua công thức 1. Hiện có 39 người Việt Nam, trong tổng số 240 kỹ sư làm việc cho công ty. Chủ tịch nước đã thăm hỏi các kỹ sư, người lao động Việt Nam về điều kiện sống, môi trường làm việc; đề nghị các kỹ sư, người lao động Việt Nam tiếp tục nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của công ty, của địa phương và trở thành cầu nối cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Hợp tác kinh tế, chính trị tốt đẹp

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 29/5-2/6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự kiến hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo quốc hội, đại diện các giới chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa… về phương hướng và các biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, trong đó chú trọng tăng cường tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, quốc phòng, an ninh…

Hai bên cũng sẽ trao đổi về sự phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ giữ vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018 - 2021.

Năm 2018, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử với độ tin cậy cao.

Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, đứng thứ hai về vốn đầu tư và là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam.

Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản tại các diễn đàn quốc tế và khu vực ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Việt Nam ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò tích cực, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực; Nhật Bản coi trọng vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam.

Hai bên chia sẻ quan điểm và phối hợp góp phần giải quyết các vấn đề liên quan tới hợp tác, phát triển và an ninh khu vực, trong đó có vấn đề biển Đông, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương...; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hoà bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực.

MỚI - NÓNG
Vì sao đường phố Cần Thơ ngập sâu?
Vì sao đường phố Cần Thơ ngập sâu?
TPO - Theo ông Mai Như Toàn - Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ -  hiện nay vẫn còn một số khu vực nội ô thành phố khi trời mưa 1-2 giờ sau nước mới rút, cho thấy do năng lực thoát nước của thành phố có vấn đề