Dấu ấn Thủ tướng với doanh nghiệp

Dấu ấn Thủ tướng với doanh nghiệp
TP - Với mục tiêu xây dựng một Chính phủ liêm chính, một Chính phủ nói không với tham nhũng, một Chính phủ lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân là thước đo hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã có những hành động quyết liệt trong việc đổi mới phương thức hoạt động theo hướng: “Chính phủ phục vụ chứ không phải Chính phủ hưởng thụ”.

Phục vụ chứ không phải hưởng thụ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngay trong phiên họp thường kỳ đầu tiên sau khi nhận chức (tháng 4/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt định hướng lớn là xây dựng Chính phủ liêm chính, một Chính phủ hiệu quả, một Chính phủ nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, một Chính phủ làm gương cho xã hội về việc nói đi đôi với làm.

Ðặc biệt, Thủ tướng cũng đặt yêu cầu phải chuyển mạnh từ phương thức quản lý hành chính sang Chính phủ phục vụ, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân là thước đo với chính quyền các cấp. Trong các phiên họp, cuộc họp sau đó, Thủ tướng cũng liên tục nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ðể đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng yêu cầu loại bỏ bằng được tiêu cực, nhũng nhiễu. Các thành viên Chính phủ và đội ngũ cán bộ, công chức ở tất cả các cấp chính quyền đều phải giữ gìn bản thân, liêm khiết, trong sạch, không vì lợi ích cá nhân. “Việc ích nước lợi dân phải kiên quyết làm, việc chỉ đem lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình mình thì phải kiên quyết từ chối. Ðó là Chính phủ liêm chính”, Thủ tướng nói.

“Việc không có gì nhưng vẫn nhũng nhiễu, phải gặp mặt mới giải quyết. Như vậy là làm mất cơ hội kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

“Việc không có gì nhưng vẫn nhũng nhiễu, phải gặp mặt mới giải quyết. Như vậy là làm mất cơ hội kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nói và yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường đối thoại với dân, để dân hiểu, dân nghe. “Hưởng lương từ tiền thuế của dân thì phải phục vụ đến nơi, đến chốn. Ðừng vô trách nhiệm trong tiêu từng đồng tiền thuế của dân”, Thủ tướng lưu ý Chính phủ phải là Chính phủ phục vụ chứ không phải là Chính phủ hưởng thụ. 

“Không phải dân nộp thuế để ta muốn làm gì thì làm, phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ tài chính công để từng đồng tiền thuế của dân đều sử dụng một cách hiệu quả, vì lợi ích chung. Mọi khoản chi tiêu công do ngân sách nhà nước cấp phải đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch”, Thủ tướng nói và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần gương mẫu nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và không được vô trách nhiệm trước đồng tiền, hạt gạo của dân.

Ngoài ra để nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính trong việc thực thi nhiệm vụ, Thủ tướng đã quyết định thành lập tổ công tác kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ mà Thủ tướng, các Phó Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, chính quyền địa phương. “Ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ, không thể nói xong là xong việc”, Thủ tướng nêu rõ.

Theo ông Mai Tiến Dũng, sau khi Thủ tướng ra quyết định, Tổ công tác đã kiểm tra, làm việc với một số bộ, ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Ðầu tư. Tổ công tác đã yêu cầu Bộ trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, thay vì tư tưởng co kéo thẩm quyền về Bộ, cơ chế xin - cho, Bộ cần phân cấp mạnh mẽ trong quản lý vốn đầu tư công; rà soát, cắt bỏ tất cả những gì là rào cản, là giấy phép con gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, không phù hợp với quan điểm, tư tưởng xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động, kiến tạo, hướng tới người dân và doanh nghiệp.

Dấu ấn Thủ tướng với doanh nghiệp ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài tại Hải Phòng.

Quyết liệt bảo vệ quyền kinh doanh

Không chỉ phục vụ, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn có nhiều hành động quyết liệt để bảo vệ quyền kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Trong rất nhiều cuộc họp, hôi nghị, Thủ tướng đều khẳng định quan điểm, tăng trưởng kinh tế của đất nước là do người dân và doanh nghiệp làm ra. Vì vậy nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ là ban hành cơ chế chính sách, pháp luật, đặc biệt là kịp thời tháo gỡ cơ chế, chính sách chưa phù hợp tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. 

“Phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa làm sao cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và cả quốc tế”. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Cuối tháng 4/2016, khi cộng đồng doanh nghiệp, người dân, dư luận cả nước sôi sục với vụ “cà phê Xin chào” (Bình Chánh - TP Hồ Chí Minh), đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp gọi điện cho Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, yêu cầu xem xét lại vụ việc và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan. Cuối cùng chủ quán cà phê Xin chào thoát khỏi lao lý còn những cán bộ thiếu trách nhiệm thì bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

Sau này khi nhắc lại vụ việc trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể có người nói là tại sao việc nhỏ như vậy mà Thủ tướng cũng phải có ý kiến. Nhưng Thủ tướng nói, việc nhỏ mà không làm cho tốt, còn gây khó cho dân thì Chính phủ còn làm gì nữa. Chính phủ phải quán xuyến cả việc lớn và việc nhỏ.

Tại Hội nghị doanh nghiệp với Thủ tướng (tháng 4/2016), thông điệp ngăn chặn có hiệu quả việc hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế mà Thủ tướng nêu ra đã nhận được những tràng vỗ tay dài của cộng đồng doanh nghiệp.

Dấu ấn Thủ tướng với doanh nghiệp ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tôn trọng, tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân

Thủ tướng cũng đã đề cao vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Theo Thủ tướng, nước ta có truyền thống tôn vinh doanh nghiệp, tôn trọng doanh nhân. Ðặc biệt, Bác Hồ ngay sau ngày đất nước giành độc lập đã dành thời gian gặp các doanh nghiệp, và doanh nhân. Lúc đó, doanh nhân đã sẵn sàng bỏ hàng ngàn lượng vàng để cứu đói cho dân, diệt giặc dốt. Lúc quốc gia khó khăn, doanh nghiệp đã sẵn sàng có mặt, sẵn sàng chung sức phát triển đất nước. Truyền thống này của doanh nghiệp và doanh nhân là rất quý báu.

Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới, do còn nhiều bất cập nên môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời và phát triển. Từ đó, Thủ tướng khẳng định, Nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm bảo quyền kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp được kinh doanh tất cả các lĩnh vực pháp luật cho phép.

Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần tích cực lắng nghe, đối thoại với nhà đầu tư, đồng hành với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, loại bỏ các rào cản, khơi thông nguồn vốn. Hệ thống thu thập, phản hồi thông tin phải hiệu quả hơn, dễ tiếp cận hơn với chi phí thấp hơn đối với cả chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng cho rằng, đầu tư nước ngoài là cần thiết nhưng chúng ta cũng phải luôn chú trọng doanh nghiệp đầu tư trong nước, phải nuôi dưỡng, hỗ trợ như với đầu tư nước ngoài để doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân cũng như doanh nghiệp nhà nước cùng nhau phối hợp, cùng nhau lớn mạnh. Doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực để hợp tác, liên kết với doanh nghiệp FDI tham gia, tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

MỚI - NÓNG