Đất tái định cư nhưng không thể xây nhà

0:00 / 0:00
0:00
TP - Người dân khu dân cư Hòa Hải 2 (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đang khóc dở mếu dở khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng lại không được cấp phép xây dựng nhà vì liên quan đến một trận địa pháo cạnh đó.

Bà Hồ Thị Diệu An (66 tuổi, trú tại phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) - một người dân có đất tại khu dân cư Hòa Hải 2, cho biết: Gia đình bà có mua lô đất 85m2 đất ở đô thị, thời gian sử dụng lâu dài. Nguồn gốc sử dụng đất do nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ngày 22/8/2017. Tháng 11/2021, gia đình bà làm hồ sơ cấp giấy phép xây dựng nhà 2 tầng kiên cố nhưng sau đó quận trả lại hồ sơ, không cấp giấy phép xây dựng nhà ở.

Không chỉ gia đình bà An, nhiều hộ dân khác có đất ở đây không được cấp phép xây dựng vì nằm trong phạm vi liên quan đến độ cao tĩnh không khu vực trận địa pháo. Theo thông tin từ Phòng quản lý đô thị quận Ngũ Hành Sơn, đất xung quanh khu vực trận địa pháo là đất tái định cư, được bố trí cho người dân theo từng giai đoạn khác nhau. Theo phản ánh của người dân, khi được bố trí tái định cư họ không hề biết có trận địa pháo ở đây. Liên quan đến quy hoạch trận địa pháo có trước hay khu dân cư có trước? Lãnh đạo phòng quản lý đô thị quận cho biết: việc này phải kiểm tra lại.

Từ kiến nghị của các hộ dân, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã có văn bản gửi Sư đoàn 375 lấy ý kiến về giới hạn độ cao tĩnh không tối đa tại vị trí các thửa đất. Sư đoàn 375 sau đó có văn bản trả lời UBND quận Ngũ Hành Sơn, nội dung: Các thửa đất vi phạm giới hạn góc che khuất, khoảng cách và cự ly an toàn công trình xung quanh đối với trận địa pháo.

Điều đáng nói, trước đây trong khu dân cư này, nhiều nhà cửa cũng đã được cấp phép xây dựng nhà cao tầng.

Về vấn đề này, UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, ngày 8/7/2020, UBND quận đã có công văn gửi Sở Xây dựng liên quan đến cao độ tĩnh không khu vực trận địa pháo. Sau đó, Sở có văn bản đề nghị UBND quận phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng, Sư đoàn 375 và các đơn vị liên quan khảo sát, đề xuất phương án quy hoạch độ cao khống chế của công trình xung quanh trận địa pháo. Đồng thời, kèm theo hồ sơ nêu rõ giải pháp, tính toán khối lượng sơ bộ và khái toán việc đầu tư xây dựng nâng cốt nền của 2 trận địa pháo để đề xuất gửi Sở Xây dựng Đà Nẵng tổng hợp, trình UBND thành phố xem xét, quyết định.

Chờ trả lời của thành phố

Tháng 9/2020, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng liên quan đến việc này. Theo đó, sau khi làm việc với các đơn vị liên quan, kiểm tra thực tế hiện trạng khu vực lân cận và căn cứ Nghị định 32 ngày 6/5/2016 của Chính phủ đối với quy định cự ly và giới hạn góc che khuất của trận địa pháo, các đơn vị đã đề xuất 2 phương án lên thành phố xem xét. Trong đó, phương án 1 là di dời hai trận địa pháo khỏi khu dân cư thuộc khu vực phường Khuê Mỹ và Hòa Hải. Phương án 2, giải tỏa các hộ dân lân cận trong phạm vi khoảng cách cự ly an toàn trận địa pháo 200m.

Ông Nguyễn Đức Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, cho biết: Cả hai phương án đều rất khó thực hiện do cần phải có quỹ đất và kinh phí rất lớn để di dời, giải tỏa bồi thường và bố trí tái định cư hoặc bố trí vị trí mới cho 2 trận địa pháo.

Để đảm bảo quyền lợi của người dân xung quanh khu vực trận địa pháo và cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã có công văn đề xuất các giải pháp xử lý để các thửa đất nằm trong phạm vi cách 200m tính từ tường rào trận địa chủ nhân của nó được cấp phép xây dựng nhà ở với quy mô không quá 3 tầng.

Đất tái định cư nhưng không thể xây nhà ảnh 1

Khu dân cư Hòa Hải 2 (phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) nằm cạnh trận địa pháoẢnh: Nguyễn Thành

Đối với trận địa pháo số 2, các công trình hiện hữu xung quanh khu vực đảm bảo giới hạn góc che khuất dưới 6 độ, UBND quận Ngũ Hành Sơn đề xuất UBND thành phố cho phép các thửa đất nằm cách tường rào trận địa 200m được cấp phép xây dựng nhà ở với quy mô, chiều cao công trình tương tự như trên.

Tuy nhiên, đến nay, UBND quận này vẫn chưa nhận được trả lời của thành phố Đà Nẵng liên quan đến những kiến nghị nêu trên.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết: Sở đang chỉ đạo phòng chuyên môn rà soát lại các nội dung liên quan và sẽ có thông tin cụ thể về vấn đề này.

MỚI - NÓNG