TPO - Vừa Tết xong, người trồng đào ở làng Nhật Tân, quất Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) lại tất bật quay lại vườn, chăm sóc những gốc đào, quất cũ để kịp có sản phẩm phục vụ người dân vào mùa Tết năm sau. Theo các nông dân trồng đào, năm nay, Tết nắng ấm, đào nhanh tàn, nên họ bắt đầu vụ mới sớm hơn mọi năm.
Có mặt tại làng đào Nhật Tân ngày 6 Tết, khung cảnh nhộn nhịp không thua kém đợt giáp Tết, tất cả các vườn đào đều tất bật với công việc làm đất và đưa đào về vườn. Trong ảnh người trồng đang đo khoảng cách để đào hố trồng đào cho vụ mới.
Công việc chính của người dân là đi thu gom lại những gốc đào vừa được mang cho thuê đợt trước Tết, sau đó đưa về vườn tiếp tục chăm sóc
Năm nay, các nhà vườn ở Nhật Tân đều tất bật đi thu gom những gốc đào được cho thuê để mang về vườn chăm sóc từ sớm. Theo các chủ vườn, đợt Tết năm nay, thời tiết nắng ấm nên hoa đào nở rộ, công việc thu gom, trồng lại đào được triển khai sớm hơn mọi năm.
Có vườn đào đã bố trí một xe bán tải, 5 nhân viên để thu gom đào sau Tết. Mỗi ngày tốn khoảng 3 triệu tiền công.
Chủ vườn đào Dũng Hải (Nhật Tân) đang chuyển cây đào vừa cho thuê với giá khoảng 100 triệu. Cây đào cổ thụ rất lớn, phải dùng xe cầu để nậng lên, hạ xuống.
Chủ vườn đào Hồng Ngọc cho biết, năm nay thu nhập chỉ bằng nửa năm ngoái, dù chủ yếu bán cành đào cổ nhưng gia đình thu về chỉ khoảng 50 triệu đồng.
Chủ vườn đào Đức Phúc cho hay, năm nay, người dân chủ yếu chơi đào cành một phần vì kinh tế khó khăn, phần vì hạn chế tiếp xúc do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Chủ vườn quất Chung Ý cho hay, hơn 1000 cây quất vừa bán, cho thuê nhưng gia đình chỉ lãi khoảng 200 triệu đồng. Trong khi, ngoài việc thuê nhân công thời vụ, vận chuyển, gia đình còn bố trí 3 người thường xuyên túc trực, chăm sóc.
Việc gom gốc đào tại ngõ phố năm nay có phần thưa vắng. Trong ảnh là người dân vừa nhặt được một gốc đào trên đường Láng.
Những ngày này, trên mạng xã hội, mấy ngày sau Tết thị trường thu mua đào, quất khá sôi động. Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên việc đi lại, xem trực tiếp và trả giá mua “xác” đào bị hạn chế. Nhiều gia đình đã chụp ảnh trưng lên mạng xã hội để bán. Những hình này được các cá nhân đưa vào các diễn đàn như “Vườn đào Hà Nội”; “Hội chợ hoa đào Tết” để “chốt” giá.