Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã ghi lại được cảnh quay từ trên không về vụ phun trào mới gần Iwo Jima. (Ảnh: Cảnh sát biển Nhật Bản) |
Ngọn núi lửa nằm ngoài khơi đảo Iwo Jima của Nhật Bản, phía nam của vòng cung Izu-Ogasawara, trước đó đã phun trào vào ngày 21/10. Hoạt động tăng cường trong những ngày tiếp theo và đến ngày 30/10, các vụ nổ đã được ghi nhận. Mỗi vụ nổ ném đá và tro thành đống ngày càng lớn cách bờ biển của hòn đảo 1 km, cuối cùng hình thành một mỏm núi lửa có tên Niijima, có nghĩa là "hòn đảo mới" trong tiếng Nhật.
Niijima hiện có thể nhìn thấy được từ vũ trụ, hình ảnh vệ tinh do Cơ quan Vũ trụ Châu Âu chụp vào ngày 3 /11 tiết lộ. Vùng đất mới có chiều ngang 100 m và điểm cao nhất của nó là 20 m so với mực nước biển. Vụ phun trào tháng 10 cuối cùng đã lắng xuống và các nhà khoa học cho biết sóng có thể sớm làm xói mòn Niijima.
Tuy nhiên, một vụ phun trào mới đã làm rung chuyển hòn đảo non trẻ này, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thông báo vào ngày 27/11.
“Theo kết quả quan sát, hoạt động phun trào đã được phát hiện trên Niijima ngoài khơi bờ biển Okinahama trên bờ biển phía nam Iwo Jima,” các đại diện cho biết trong một bài đăng trên X.
Vụ phun trào xảy ra vào ngày 23/11 đã khiến tro và khói bay cao tới 200 m lên bầu trời. Cảnh quay từ trên không cho thấy một vụ nổ lớn của núi lửa, với đá và các mảnh vụn khác rơi xuống biển từ một đám khói đen. Gió dường như đang thổi khói và tro theo một hướng khi sóng vỗ vào bờ đảo.
Các vụ phun trào gần đây cho thấy hoạt động núi lửa đang tiếp tục trở lại ở vùng biển xung quanh Iwo Jima sau một thời gian ngắn yên tĩnh sau vụ phun trào vào tháng 7 năm 2022.
Không rõ vụ phun trào mới nhất sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự tồn tại của hòn đảo Niijima mới hình thành. Nhưng liệu hòn đảo có còn nguyên vẹn hay không còn phụ thuộc vào loại đá được tạo thành, các chuyên gia cho biết. Nếu nó được làm từ dung nham, có khả năng Niijima có thể tồn tại được.
Iwo Jima và Niijima nằm trên đỉnh một chuỗi núi lửa dưới nước nằm dọc theo Vành đai lửa Thái Bình Dương.
Vành đai lửa - chạy từ mũi phía nam của Nam Mỹ, dọc theo bờ biển phía tây của Bắc Mỹ, qua eo biển Bering, xuống qua Nhật Bản và đến tận New Zealand - là khu vực có hoạt động địa chấn và núi lửa mạnh nhất trên thế giới.