Bức tâm thư được ông Lê Trí Thanh viết, gửi cán bộ kiểm lâm, ban quản lý rừng tại một cuộc họp tổng kết quý I mới đây mà ông không thể đến dự.
Cán bộ bị lâm tặc mua chuộc, “đánh mất mình”
Trong bức tâm thư, vị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chia sẻ, là lãnh đạo tỉnh được phân công theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực này, trong gần 3 năm qua, ông đã có nhiều chuyến cùng cán bộ kiểm lâm vượt dốc, băng rừng, lội suối để kiểm tra rừng, hạnh phúc với những cánh rừng già nguyên sinh còn xanh thẫm của Trường Sơn; trăn trở với những cây rừng mới trồng bị nắng chói, mưa dầm, dây leo, khó bề sinh trưởng; đau xót với những thân cây bị lâm tặc chặt gãy, nhựa còn ứa ra như rỉ máu…
Những chuyến đi đó giúp ông hiểu thêm rất nhiều về rừng và cũng yêu rừng vô cùng. Theo ông Thanh, là những người trực tiếp gắn bó với rừng, bảo vệ, giữ gìn và phát triển rừng, chắc chắn tình yêu rừng của các cán bộ kiểm lâm giữ rừng còn lớn hơn cá nhân ông. Tuy nhiên, “đối mặt với lâm tặc vốn đã khó thì đối mặt với chính mình còn khó hơn nhiều. Bao nhiêu đồng chí, bao nhiêu thế hệ đã đổ mồ hôi, xương máu và cả tính mạng của mình để giữ màu xanh bình yên của núi rừng. Nhưng cũng nhiều đồng chí đã không làm tròn trách nhiệm, thậm chí bị lâm tặc mua chuộc, khống chế, bị lợi ích nhất thời làm mờ mắt dẫn đến đánh mất mình, làm hoen ố thanh danh của cơ quan, làm tổn thương đến đồng đội, làm phụ lòng bao người đã ngã xuống” – bức tâm thư chia sẻ.
Với lương tâm và lòng tự trọng cao nhất, tôi muốn các đồng chí hãy dũng cảm đối mặt với sự thật để trả lời những câu hỏi đó. Và hơn thế nữa, mỗi đồng chí hãy góp một tiếng nói để chúng ta cùng cải tổ triệt để công tác quản lý bảo vệ rừng, để rừng không mất đi và niềm tin còn ở lại...”. Trong bức thư của ông Lê Trí Thanh
“Bất luận thế nào, khách quan hay chủ quan, là những người được giao nhiệm vụ chủ rừng, thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, trách nhiệm trước tiên phải thuộc về các đồng chí” - ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Thanh nhìn nhận: Nhiều vụ xảy ra từ lâu, lâm tặc tung hoành trong thời gian dài, cả cánh rừng bị phá nham nhở, hàng chục gốc cây cổ thụ quí hiếm gục ngã mà cán bộ kiểm lâm lại không biết, cho đến khi có thông tin phản ảnh trên báo chí. Gỗ to như thế, bị chặt hạ bằng cưa máy, kéo ra khỏi rừng thành lối mòn, rồi chở đi bằng cách nào, tập kết ở đâu, bán cho ai – người dân địa phương đều biết mà lực lượng kiểm lâm lại không biết, hoặc biết mà không nói, nói mà không làm, làm mà không tận gốc.
“Nhiều câu hỏi được đặt ra về sự trong sạch, vững mạnh và tinh thần quyết tâm của các lực lượng liên quan đến quản lý bảo vệ rừng, không chỉ riêng các đồng chí. Những câu hỏi này đã có từ rất lâu rồi, nó làm dằn vặt và ray rứt chúng ta vô cùng. Rừng vẫn cứ mất, cán bộ vẫn cứ bị kỷ luật và nhiều câu hỏi vẫn cứ được đặt ra.
Với lương tâm và lòng tự trọng cao nhất, tôi muốn các đồng chí hãy dũng cảm đối mặt với sự thật để trả lời những câu hỏi đó. Và hơn thế nữa, mỗi đồng chí hãy góp một tiếng nói để chúng ta cùng cải tổ triệt để công tác quản lý bảo vệ rừng, để rừng không mất đi và niềm tin còn ở lại...” – ông Thanh nhắn nhủ.
“Lọc” lại bộ máy, quy rõ trách nhiệm
Gần đây, tại Quảng Nam liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng với quy mô lớn. Ngoài vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang) thì tại huyện Nam Giang, lâm tặc lại phá tan hoang rừng phòng hộ Nam Sông Bung, hàng chục gốc lim quý hiếm bị đốn hạ. Thống kê, có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào). Ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại 235,111m3; Vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang) ước tính khối lượng gỗ thiệt hại là 45,6m3. Trong khi hai vụ phá rừng trên đang được cơ quan chức năng làm rõ, thì tại rừng đặc dụng Sông Thanh nhiều vạt rừng bị khai thác trái phép, xảy ra tình trạng bắn hại động vật quý hiếm ngay trong khu bảo tồn.
Trước thực trạng chảy máu rừng tràn lan, ngày 10/4, tỉnh Quảng Nam đã có cuộc họp nóng với ngành chức năng, đề cập nhiều vấn đề trong đó tập trung cải tổ, kiện toàn sắp xếp lại lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là các ban quản lý rừng và đơn vị kiểm lâm. Quy rõ trách nhiệm nếu xảy ra phá rừng.
Theo đó, tổ chức sắp xếp lại lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng theo hướng sẽ quản lý theo đơn vị hành chính và giao cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm. Các ban quản lý rừng thực hiện quản lý theo đơn vị hành chính, trực thuộc UBND huyện.
Ngoài ra, việc giao khoán bảo vệ rừng hiện đang giao cho nhóm hộ thì sắp tới chuyển sang giao cho cộng đồng thôn. Thôn sẽ thành lập các đội bảo vệ rừng chịu sự điều hành, giám sát chung của cán bộ kiểm lâm xã và cán bộ lâm nghiệp xã.
“Lần này quy rõ trách nhiệm khi để xảy ra phá rừng. Qua việc phân cấp như vậy thì chủ tịch UBND huyện, chủ tịch UBND xã là người chịu trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. Không để tình trạng chồng chéo chức năng nhiệm vụ khó quy trách nhiệm như hiện nay” – ông Thanh nói.