Tên của Duy và Yên được ghép lại thành chữ "Duyên". |
Trịnh Thế Duy và Trương Bình Yên (cùng sinh năm 1994, ngụ TP.HCM) luôn mơ về một đám cưới riêng tư được tổ chức trong rừng.
Ngày 16,17/4 vừa qua, họ mới có thể biến ước mơ thành hiện thực. Suốt 2 năm, dịch bệnh ập đến, kế hoạch kết hôn của đôi trẻ bị trì hoãn đến 2 lần. Nhưng đó cũng là cơ hội để họ chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho ngày đặc biệt.
"Chúng tôi yêu nhau từ những năm cấp 3 nhưng thời gian hẹn hò khá ngắn. Lên đại học, tôi học ngành kinh tế ở New Zealand, còn Yên theo đuổi ngành thiết kế thời trang tại Mỹ. Trong đợt dịch COVID-19, vợ tôi về nước, tôi chủ động hẹn gặp và 'chốt đơn' luôn", Thế Duy cười và tâm sự.
Ấp ủ
Rừng thông bên hồ T'Nưng (Biển Hồ), Pleiku, Gia Lai chính là địa điểm cả hai lựa chọn cho đám cưới của mình.
Theo Thế Duy, Pleiku là quê nhà của anh và vợ. Cảnh sắc hoang sơ, yên bình cùng khí hậu mát mẻ thuyết phục cả hai lựa chọn nơi đây làm địa điểm tổ chức nghi lễ thành hôn, hoạt động cắm trại, chèo SUP và tiệc mặn ngoài trời.
"Đám cưới của chúng tôi diễn ra trong 2 ngày một đêm với sự tham dự của 5 khách mời là em gái tôi cùng 4 người bạn. Sau lễ cưới thân mật này, vợ chồng tôi sẽ tổ chức thêm tiệc cưới ở gia đình theo phong tục truyền thống", anh tâm sự.
Đám cưới dã ngoại bao gồm hoạt động cắm trại, chèo SUP và tiệc mặn ngoài trời. |
Ý tưởng và từng công đoạn chuẩn bị cho đám cưới không chỉ do hai vợ chồng thực hiện mà có sự bàn bạc, đóng góp rất tâm huyết của bạn bè. Họ là 2 nhiếp ảnh gia (một ở Hà Nội, một ở Gia Lai), một chuyên gia trang trí ở Hà Nội và một chuyên gia về cắm trại sinh sống ở Gia Lai.
Cả nhóm nhiều lần họp online để cùng thống nhất phương án. Trong đó, 2 nhân sự phải đích thân khảo sát kỹ lưỡng địa điểm. Sau đó, mỗi đầu việc đều có thêm các cộng sự tham gia hỗ trợ để đảm bảo tính khả thi và sự an toàn cho hôn lễ.
"5h sáng 16/4, 2 người thuộc nhóm trang trí và một nhiếp ảnh gia từ Hà Nội đã phải ra sân bay, đến thẳng địa điểm tổ chức để cắm hoa cho đến tận nửa đêm. Cùng ngày, 3 người khác thuộc nhóm cắm trại (camping) phụ trách mang thiết bị, hạ trại, bơm SUP và chuẩn bị thực phẩm.
Tiếp đó, 2 nhiếp ảnh gia và quay phim có mặt. Bộ ảnh cưới tại hôn lễ là món quà họ tặng chúng tôi để lưu giữ những kỉ niệm đẹp.
Ngoài ra, trang phục cưới được chính vợ tôi thiết kế. Có thể nói mỗi thành viên đều là chuyên gia trong lĩnh vực của mình nên chuẩn bị rất kỹ", Thế Duy kể lại.
Thời tiết mát mẻ, tạnh ráo ủng hộ nhóm bạn trong các hoạt động ngoài trời. |
Lễ cưới trong mơ
Từ buổi trưa 16/4, cô dâu, chú rể cùng các khách mời có mặt tại địa điểm hôn lễ. Tất cả cùng nghỉ ngơi và sau đó bắt đầu chèo SUP - hoạt động đầu tiên của lễ cưới.
Khoảng 18h cùng ngày, nhóm camping hỗ trợ bày biện thức ăn bao gồm salad, gà nướng, cơm lam, sườn nướng và bò áp chảo. Mọi người ăn tối trên bàn tiệc được trang trí sẵn với nến và hoa tươi.
Sau bữa tối, lễ cưới vẫn tiếp tục với màn đốt lửa trại, những ly trà gừng và nồi lẩu gà lá giang cho những ai còn đói.
Bữa tối ấm cúng với thực phẩm được ekip hỗ trợ chuẩn bị sẵn |
Đến buổi sáng hôm sau, 17/4, cô dâu Bình Yên thức giấc từ 3h30 để trang điểm và thay lễ phục. 5h30, cả nhóm cùng uống cà phê đón bình minh, ăn sáng rồi bắt đầu bước vào nghi lễ kết hôn.
Chú rể Thế Duy viết lời thề hôn nhân và tiến về vị trí chứng kiến first look (lần đầu thấy cô dâu mặc váy cưới). Trước sự hiện diện của người làm chứng và bạn bè, cả hai đọc lời thề nguyện, chính thức trở thành vợ chồng.
|
Cuối cùng, thay vì thực hiện lễ cắt bánh như thường thấy, Thế Duy và vợ trồng một cây thông trong rừng với hy vọng cho sự tươi xanh nảy nở.
"Lúc cầm tờ giấy viết lời thề, tôi nghẹn ngào không nói nên lời, cảm xúc rất khó tả. Bình thường, 2 đứa vui cười cả ngày, nhưng khi đọc lời thề thì ai cũng khóc mà tôi là người khóc nhiều hơn. Tôi thấy thật sự hạnh phúc khi có thể tổ chức một đám cưới đặc biệt như vậy", Thế Duy chia sẻ.
"Sau lễ cưới, cảm xúc lớn nhất trong tôi chính là sự cảm kích", Thế Duy nói thêm.
Anh cho biết đám cưới của mình không thể thành công nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều bạn bè và ekip. Từng thành viên đều tâm huyết với sự kiện, không quản ngại đường xá xa xôi. Chính tấm lòng nhiệt thành, chân tình của họ khiến vợ chồng anh rất biết ơn và hạnh phúc.
"Tôi có thể thấy mọi người đều hào hứng và dễ chịu khi tham gia đám cưới. Đây là dịp để họ rời xa khói bụi thành phố, tham gia hoạt động dã ngoại và về với thiên nhiên. Lúc tôi và vợ đọc lời thề, mọi người cũng khóc rất nhiều. Họ dành tặng chúng tôi những lời chân thành nhất từ tận đáy lòng. Đó chính là điều ý nghĩa, lớn lao nhất đối với chúng tôi", anh nói.
Cô dâu, chú rể ở góc riêng để viết lời thề nguyện. |
Có kế hoạch
Nhớ lại toàn bộ hành trình chuẩn bị và tổ chức đám cưới, theo Thế Duy, điều quan trọng, khó khăn nhất chính là phải làm sao để duy trì tâm trạng hào hứng cho tất cả thành viên cùng khách mời tham dự.
Ngoài ra, khảo sát địa điểm cũng như thời tiết cũng là việc làm tối quan trọng giúp định hướng khâu trang trí cũng như các hoạt động xuyên suốt buổi lễ.
"Nhiều người hỏi chúng tôi về kinh nghiệm tổ chức đám cưới dã ngoại. Với những gì đã làm, tôi cho rằng mọi người nên có kế hoạch trước buổi lễ ít nhất 2 tháng. Đó là khoảng thời gian vừa đủ để các bạn chuẩn bị mọi thứ kỹ càng nhất.
Hơn hết, trong một số hoạt động như cắm trại hay chèo SUP, các bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của các đơn vị uy tín. Họ là người có kinh nghiệm và đầy đủ trang thiết bị, giúp đỡ ứng biến trước những tình huống phát sinh", Thế Duy cho hay.
Đám cưới với sự hiện diện của 5 người bạn thân thiết. |
Chia sẻ thêm về đám cưới dã ngoại của Thế Duy và Bình Yên, anh Nguyễn Minh Sáng (Robinsang), thành viên ekip tổ chức, cũng cho rằng vấn đề an ninh, an toàn là rất quan trọng.
Theo anh, có thể nhiều người đã rất quen với hoạt động cắm trại, đồng thời có đủ trang thiết cần thiết. Tuy nhiên, việc cắm trại kết hợp với đám cưới lại mang tính chất khác hẳn.
Đây là sự kiện không chỉ đòi hỏi sự an toàn mà còn phải đảm bảo tính chỉn chu toàn diện trong khâu tổ chức, loại hình và chất liệu lều trại. Từng công đoạn đều cần tính toán tỉ mỉ nhằm giúp các thành viên sinh hoạt thuận lợi và có được những tấm hình đẹp nhất.
"Nhóm camping của chúng tôi đã phải trao đổi với cô dâu, chú rể trước hơn 2 tháng để lựa chọn loại lều và địa điểm phù hợp với phong cách buổi tiệc. Đám cưới được tổ chức khá xa trục đường chính, do vậy việc mang vác đồ đạc cũng trở nên khó khăn".
Cuối buổi lễ, cô dâu và chú rể cùng trồng một cây thông trong rừng. |
Tuy nhiên, cũng theo anh Sáng, sự hài lòng và niềm vui của mọi người trong đám cưới chính là động lực làm tan biến mọi mệt mỏi của ekip hỗ trợ.
"Tôi rất ấn tượng và thích thú với hoạt động trồng cây thông của 2 bạn trẻ trong ngày cưới của họ. Tôi hy vọng những hoạt động ý nghĩa, nhân văn như vậy sẽ được lan tỏa", anh bày tỏ.
Link gốc: https://zingnews.vn/dam-cuoi-cam-trai-trong-rung-cua-doi-tre-o-tphcm-post1313599.html