Hôm qua, Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và các thành viên của đoàn công tác số 2 Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023 làm việc về công tác chuẩn bị kỳ thi tại tỉnh Bắc Giang.
Trường THPT Chuyên Bắc Giang đã hoàn thành kiểm tra, rà soát và sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng, quạt mát, điều hòa tại các phòng thi; hệ thống điện, nước và thiết bị vệ sinh ở các khu lớp học. Cũng tại điểm thi này, nhà trường đã bố trí một máy phát điện đủ phục vụ quạt mát, ánh sáng cho 50 phòng thi phòng trường hợp mất điện. Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, cho biết, những ngày thi, phòng nào có điều hòa, đủ điện lưới sẽ bật để phục vụ thí sinh.
Kiểm tra máy phát điện dự phòng tại điểm thi Trường THPT chuyên Bắc Giang. Ảnh: Nghiêm Huê |
Toàn tỉnh có 21.081 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2023. Trong đó có 17.642 thí sinh giáo dục THPT, 3.439 thí sinh giáo dục thường xuyên, 423 thí sinh tự do đăng ký tại 38 điểm thi. Sở GD&ĐT Bắc Giang đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố trong việc tổ chức kỳ thi. Đặc biệt là phối hợp với Công an tỉnh để bảo vệ an ninh, an toàn cho tất cả các khâu trong kỳ thi. Riêng đối với việc chuẩn bị đủ điện đáp ứng cho kỳ thi, Sở GD&ĐT Bắc Giang phối hợp với Công ty Điện lực Bắc Giang để đảm bảo điện tối đa cho tất cả các điểm thi.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý, cần phân công đúng nhiệm vụ, đúng cơ chế và đúng trách nhiệm, rõ ràng từng người. Ngoài ra, cần tiếp tục tập huấn kỹ càng về nghiệp vụ, quán triệt về tinh thần, tuyệt đối không được chủ quan, tránh xảy ra những sai sót, dù là nhỏ nhất. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, hỗ trợ thí sinh, đảm bảo an ninh, an toàn phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đảm bảo một kỳ thi diễn ra công bằng, minh bạch và đạt kết quả cao.
Tại các địa điểm in sao đề thi, bảo quản đề thi, bài thi, các điểm thi, chấm thi, Sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi. Các tình huống phát sinh, bất ngờ được Ban chỉ đạo cấp tỉnh lên các phương án phòng ngừa, xử lý.
Chặt chẽ từng khâu, rõ việc từng người
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Minh Sơn thông tin, qua kiểm tra, làm việc, có thể thấy các địa phương chủ động, chuẩn bị chu đáo, bài bản; phân công trách nhiệm trong ban chỉ đạo, các đơn vị, sở ngành tham gia chặt chẽ, rõ ràng. Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực, chủ động của các địa phương.
Tuy vậy, ông Sơn lưu ý các địa phương không chủ quan. Bởi mỗi kỳ thi đều có tình huống phát sinh, chuẩn bị càng kỹ thì càng tránh được phát sinh. Biện pháp thực hiện là tuyên truyền thật tốt, tập huấn thật kỹ, kiểm tra chặt chẽ, giám sát khách quan.
“Sự thành công của kỳ thi nằm ở yếu tố con người. Cho nên, với việc lợi dụng công nghệ cao để có thể gian lận thi cử, cần tuyên truyền để thí sinh thấy được hậu quả của việc này. Thí sinh nhiều khi vô tư, chỉ nghĩ rằng sử dụng thiết bị công nghệ cao để mang lại lợi ích cho bản thân. Nhưng thực tế nó ảnh hưởng rất lớn đến kỳ thi. Cho nên bằng công tác tuyên truyền vận động qua nhiều kênh để thí sinh hiểu được để phòng tránh”, ông Sơn nói.
Một trong những vấn đề nóng hiện nay là thiếu điện. Khi làm việc với các địa phương, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đều nêu quan điểm về vấn đề này. Ông cho biết, Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND các địa phương về việc phối hợp chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023. Bộ yêu cầu các địa phương cung cấp điện, nước ổn định; bảo đảm các quy định phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm tại tất cả các địa điểm diễn ra hoạt động tổ chức kỳ thi.