Ngày 18/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo Kết quả thực hiện Kết luận Thanh tra số 1858 ngày 18/10/2022 của Thanh tra Chính phủ.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ kết luận, tỉnh Đắk Lắk thực hiện, đôn đốc, thu hồi vào ngân sách nhà nước của các tổ chức, cá nhân còn nợ đọng tiền xử phạt trong lĩnh vực lâm nghiệp hơn 34 tỷ đồng.
Với nội dung trên, sau khi triển khai, Sở NN&PTNT báo cáo không thể thu hồi. Bởi số tiền xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) còn nợ đọng chưa thu được của các quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) từ năm 2016 đến năm 2019, hiện nay đã hết thời hiệu thi hành.
Một vụ phá rừng tại huyện Ea Súp, Đắk Lắk |
Cũng theo Sở NN&PTNT, sau khi các đối tượng vi phạm không chấp hành nộp tiền phạt, các đơn vị liên quan đã phối hợp chính quyền tổ chức xác minh tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng, thu nhập, tài sản của các đối tượng vi phạm để làm căn cứ tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, qua xác minh các đối tượng vi phạm đều không có tiền gửi tại các ngân hàng, không có việc làm và thu nhập ổn định, không có tài sản để cưỡng chế kê biên.
Theo báo cáo của các đơn vị, nguyên nhân không thu được số tiền xử phạt VPHC nêu trên do: Đa số các vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật, đối tượng vi phạm là người đồng bào dân tộc thiểu số phía bắc di cư tự do, người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thiếu đất ở, đất sản xuất, họ không có tiền để nộp phạt, không có tài sản để cưỡng chế.
Đối với các vụ vi phạm vận chuyển lâm sản trái pháp luật: Ngoài hình thức phạt chính là phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đối tượng vi phạm (lái xe) là những người làm thuê, hoàn cảnh khó khăn, không có thu nhập ổn định; khi bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền lớn, họ không có tiền để nộp phạt và không có tài sản để cưỡng chế.
Đối với hành vi khai thác rừng trái pháp luật: Các đối tượng vi phạm chủ yếu là người đi làm thuê cho các đầu nậu (quá trình đấu tranh không xác định được đối tượng đầu nậu) hoặc là người dân tại địa phương khai thác gỗ về để làm nhà ở; họ không có việc làm và thu nhập ổn định, không có tiền nộp phạt và không có tài sản để cưỡng chế.
Đối với các hành vi mua bán, tàng trữ…lâm sản trái pháp luật: Đối tượng vi phạm cũng chủ yếu là người dân tại địa phương, không có công việc và thu nhập ổn định, họ mua gỗ với khối lượng rất nhỏ về cất giữ để đóng đồ dùng trong gia đình; khi bị cơ quan chức năng thu giữ và xử phạt thì không có tiền để nộp và không có tài sản để cưỡng chế.