Đại phẫu nhân lực y tế, tiết kiệm chục nghìn tỷ ngân sách

Đổi mới theo hướng phân cấp tự chủ, ngành y tế tiết kiệm chi phí lớn cho ngân sách nhà nước. (Ảnh minh họa)
Đổi mới theo hướng phân cấp tự chủ, ngành y tế tiết kiệm chi phí lớn cho ngân sách nhà nước. (Ảnh minh họa)
TPO - Đổi mới theo hướng tự chủ 25 bệnh viện với 25 nghìn người, Bộ Y tế đã tiết kiệm chi hơn 2 nghìn tỷ đồng mỗi năm; còn tại các địa phương cũng giảm chi hàng chục nghìn tỷ đồng.

Chia sẻ về việc đổi mới hệ thống tổ chức cán bộ ngành y tế, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, để đổi mới theo hướng phân cấp tự chủ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ra Quyết định 3151 về việc phân cấp quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, tuyển dụng viên chức đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ.

Theo Vụ Tổ chức cán bộ, hiện nay đã có 25/42 bệnh viện (trong đó có 7 bệnh viện trường đại học) trực thuộc Bộ Y tế đã đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tự chủ toàn bộ kinh phí thường xuyên với số lượng gần trên 25 nghìn người. Tính trung bình lương mỗi người 6 triệu đồng/tháng, chính sách này đã tiết kiệm chi phí cho nhà nước hơn 2 nghìn tỷ đồng một năm.

Ông Tác cho biết, tới đây Bộ Y tế sẽ rà soát và chuyển giao các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trung ương đóng trên địa bàn các tỉnh về cho UBND tỉnh quản lý. Bộ chỉ quản lý khoảng 20 bệnh viện đầu ngành, là cơ sở thực hành của các trường đại học y dược và một số bệnh viện chuyên khoa đặc biệt. Dự kiến, Bộ Y tế chỉ quản lý trực tiếp khoảng 20 đơn vị sự nghiệp trực thuộc theo đúng Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương.

Đối với tuyến tỉnh, Bộ Y tế thực hiện mô hình Trung tâm phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật (CDC) trên cơ sở sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng. Theo lộ trình đến năm 2021 sẽ kiện toàn mô hình, mỗi tỉnh thành có 5-9 đơn vị trung tâm. Nếu lấy trung bình mỗi tỉnh gồm 6 trung tâm và sáp nhập thành một thì sẽ dư 5 đơn vị, như vậy sẽ giảm đáng kể số đầu mối.

Theo tính toán của Bộ Y tế, nếu mỗi địa phương chỉ có 5 đơn vị, thì trên 63 tỉnh thành sẽ chỉ còn 315 đơn vị tuyến tỉnh. Về nhân lực, số lượng lãnh đạo sẽ giảm đi. Tính trung bình, mỗi đơn vị 4 lãnh đạo (1 trưởng, 3 phó) thì tổng số 315 đơn vị sẽ có khoảng 1.260 vị trí lãnh đạo. Tính trung bình lương 6 triệu đồng mỗi tháng thì tổng chi phí lương khoảng 90 tỷ đồng mỗi năm.

Theo Bộ Y tế, việc sáp nhập trung tâm dự kiến giảm được khoảng 2.140 người làm công việc hành chính như lái xe, thủ quỹ, văn thư, kế toán...từ đó tiết kiệm hơn 154 tỷ đồng mỗi năm.

Bộ Y tế cho biết, đến 31/10/2017, có 70 trong tổng số hơn 2.000 đơn vị và 35.000 biên chế không phải chi lương từ ngân sách nhà nước mà đã đưa vào giá dịch vụ, tiết kiệm hơn 2.500 tỷ đồng. Đến 27/9/2018, 51 tỉnh, thành đã giảm chi ngân sách nhà nước trên 14 nghìn tỷ đồng.

Còn với mô hình y tế tuyến huyện thực hiện thống nhất chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh và các trạm y tế xã phường. Đến cuối năm 2018, đã có 437/713 quận, huyện sáp nhập thành một trung tâm y tế hai chức năng, tiết kiệm khoảng 910 tỷ đồng ngân sách nhà nước chi cho lương lãnh đạo và những người làm công việc hành chính.

Theo Bộ Y tế, để chủ trương này thực hiện hiệu quả, trong quá trình triển khai cần phải công khai, dân chủ và minh bạch, nhất là công tác cán bộ. Bộ Y tế đánh giá, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương đã làm tốt chủ trương này, như Hà Nội, Yên Bái, Bạc Liêu…

MỚI - NÓNG