Nhiều địa phương sáp nhập sở ngành để tinh gọn bộ máy

Lào Cai đã sáp nhập Sở GTVT với Sở Xây dựng. Ảnh: TTra.
Lào Cai đã sáp nhập Sở GTVT với Sở Xây dựng. Ảnh: TTra.
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 17/7, đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, sau khi tỉnh Lào Cai sáp nhập Sở GTVT và Sở Xây dựng, tỉnh Bạc Liêu cũng vừa đề nghị Bộ Nội vụ sáp nhập các sở có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.  

Sáp nhập sẽ tinh giản bộ máy, lãnh đạo

Theo đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, phương án sáp nhập, hợp nhất được tỉnh Bạc Liêu đề nghị là hợp nhất Sở TTTT với Sở VH-TT&DL, đồng thời hợp nhất Sở KH&CN với Sở GD&ÐT. Ðược biết, đề xuất sáp nhập 4 sở này của tỉnh Bạc Liêu được Bộ Nội vụ “cơ bản ủng hộ”.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7, khóa 15, nhiệm kỳ 2016 - 2021, HÐND tỉnh Lào Cai đã thông qua nghị quyết hợp nhất hai Sở GTVT và Sở Xây dựng thành Sở GTVT - Xây dựng. Ðây là tỉnh đi tiên phong trong việc hợp nhất, sáp nhập sở có nhiệm vụ, chức năng tương đồng. Sau khi hợp nhất, Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai có giám đốc và không quá 3 phó giám đốc. Ðồng thời có 10 phòng chuyên môn và chỉ có 1 tổ chức, 6 đơn vị sự nghiệp thuộc sở. Như vậy có thể thấy, việc hợp nhất này đã làm tinh gọn bộ máy hơn nhiều so với việc tồn tại cả hai sở trước đây.

Nhiều địa phương sáp nhập sở ngành để tinh gọn bộ máy ảnh 1

Theo Bộ Nội vụ, Bạc Liêu vừa đề xuất sáp nhập các sở cùng chức năng nhiệm vụ tương đồng.

Lý giải về việc hợp nhất này, Bộ Nội vụ cho rằng, việc hình thành và phát triển các không gian đô thị hiện đại không thể tách rời giữa quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch hạ tầng giao thông. Ðặc biệt khi Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai các dự án theo các hình thức đầu tư công - tư (BOT, BT, PPP) luôn đòi hỏi có sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển giao thông với đô thị. Chính bởi vậy, việc hình thành một cơ quan quản lý thống nhất hai lĩnh vực này sẽ bảo đảm nâng cao tính hiệu quả, khắc phục những bất cập chồng chéo, thiếu đồng bộ trong quản lý hạ tầng đô thị.

“Việc sáp nhập các sở có chức năng nhiệm vụ tương đồng sẽ góp phần tinh gọn bộ máy theo đúng tinh thần Nghị quyết T.Ư 6. Qua đó sẽ giảm bớt đầu mối các cơ quan chuyên môn giúp việc cấp tỉnh, cấp huyện. Bên cạnh đó, số lượng cấp phó cũng giảm theo, chẳng hạn trước đó hai sở có 6 cấp phó, khi sáp nhập chỉ còn lại 3 phó”, lãnh đạo Bộ Nội vụ lý giải.

Ba phương án hợp nhất

Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được Bộ Nội vụ đưa ra với 3 phương án về khung số lượng sở, ngành. Trong đó, phương án một quy định thành phố Hà Nội, TPHCM không quá 20, các tỉnh còn lại từ 17- 19 sở, ngành. Theo phương án này, cả nước sẽ giảm tối thiểu 46 sở. Phương án hai, Hà Nội, TPHCM không quá 20, các tỉnh, thành còn lại không quá 17-18 sở, ngành. Như vậy, cả nước sẽ giảm tối thiểu 88 sở, ngành. Còn phương án 3 là sắp xếp các sở, ngành không vượt quá số lượng hiện có.

Trong ba phương án trên, Bộ Nội vụ đề xuất lựa chọn phương án một để đảm bảo thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy có lộ trình, tránh xáo trộn lớn. Trên cơ sở đó, số khung các sở, ngành được tính toán dựa trên việc sắp xếp lại 21 sở, ngành hiện có. Trong đó có 4 Sở Tư pháp, TN&MT, LÐTB&XH, Y tế được tổ chức thống nhất trên cả nước, 17 sở ngành còn lại giao cho địa phương quyết định hợp nhất, sáp nhập, sắp xếp lại tùy theo từng địa phương.

Với các Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND thì Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức thí điểm hợp nhất với Ban Tổ chức tỉnh, Uỷ ban Kiểm tra tỉnh và Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HÐND cấp tỉnh. Ðối với 4 sở đặc thù, chuyên ngành không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương gồm: Sở Quy hoạch - Kiến trúc (thuộc UBND Thành phố Hà Nội và TPHCM) và 3 sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập là Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch, Bộ Nội vụ đề xuất trao quyền để cấp tỉnh có thể xem xét quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập.

 Lý giải về 4 sở đặc thù có thể thành lập và có thể không, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, đây là những sở tham mưu về những lĩnh vực mang tính chất đặc thù, có tỉnh cần, có tỉnh chưa hoặc không cần. “Ví dụ như Ban Dân tộc, có phải tỉnh nào cũng cần thành lập đâu? Hay như Sở Ngoại vụ, với những nơi có biên giới, hay khu công nghiệp, khu chế xuất thì cần, còn những nơi không có thì không cần thành lập”.  Lãnh đạo Bộ Nội vụ nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Ðức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội chưa sáp nhập Sở ngành và cũng khó có thể sáp nhập Sở Xây dựng với Sở GTVT như ở Lào Cai. Bởi Hà Nội cũng giống như TP Hồ Chí Minh là 2 đô thị rất lớn, địa bàn rộng, nếu sáp nhập thì công việc Sở mới là rất nhiều, công việc khó đạt hiệu quả. Hà Nội cần có cơ chế đặc thù cho việc này.

                Trần Hoàng

MỚI - NÓNG