Cải cách bộ máy - Thách thức và kỳ vọng

Thắt hầu bao, tinh gọn bộ máy

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc họp về đề án sáp nhập các văn phòng cấp ủy.Nguồn: VP
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc họp về đề án sáp nhập các văn phòng cấp ủy.Nguồn: VP
TP - Gần một năm sau Hội nghị Trung ương 6, không khí cải cách tổ chức bộ máy không chỉ còn gói ở một vài tỉnh, thành mà đã lan rộng ra cả nước. Từ trung ương đến địa phương, từ tỉnh nghèo cho đến tỉnh giàu - “tất cả đều không thể đứng ngoài” công cuộc cải cách bộ máy, dù đó là một công việc đầy khó khăn, đụng chạm...

Là một trong những tỉnh có “hầu bao rủng rỉnh”, với nguồn thu ngân sách hàng năm lên đến trên 30 nghìn tỷ đồng, Vĩnh Phúc gần như không chịu áp lực về chi phí nuôi bộ máy… Tuy nhiên, như Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hoàng Văn Toàn chia sẻ “việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy không hẳn chỉ là vấn đề tiền, mà cái quan trọng hơn chính là làm sao để các cơ quan của Đảng và Nhà nước không còn trùng lắp nhiệm vụ, rõ trách nhiệm và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp được tốt hơn”.

Từ băn khoăn đến đồng thuận

Cùng làm nhiệm vụ kế toán, chung trụ sở, chung nhà ăn, chung chỗ để xe, nhưng trước đây, những người như chị Khổng Thị Thúy Nga, anh Tạ Xuân Phương, chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Phạm Thị An, Phạm Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Xuân… vẫn mỗi người một cơ quan, một chỗ làm. “Nói thật, khi tỉnh quyết định thực hiện sáp nhập 6 văn phòng cơ quan giúp việc Tỉnh ủy vào làm một, chúng tôi cũng băn khoăn, tâm tư lắm. Bởi nếu giữ nguyên như cũ thì mỗi ban sẽ vẫn là chủ tài khoản, sẽ có quyền và chủ động hơn, khi nhập vào thì có cảm giác mỗi ban sẽ “hết quyền””, chị Khổng Thị Thúy Nga (cán bộ thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy) thẳng thắn chia sẻ.

Ông Đỗ Ngọc Quang, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, kể từ ngày 1/9/2018, 6 văn phòng giúp việc của các cơ quan (Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Nội chính) đã về “một nhà” với tên gọi chung là Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy. Theo ông Quang, đây là những việc liên quan đến con người nên tâm tư, khó khăn là rất lớn. “Điều quan trọng nhất là khi thực hiện là làm sao phải bảo đảm được sự công khai, minh bạch". Theo ông, với sự sáp nhập này, chỉ riêng khối văn phòng đã giảm được14 trường hợp trong diện hợp đồng, vận động được 5 người nghỉ hưu trước thời hạn. Có những cán bộ gắn bó từ khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc đến nay đã hơn 20 năm cũng sẵn sàng về nghỉ trước tuổi.

Ông Hoàng Văn Toàn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho hay: Trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết 18, 19, tỉnh đã xây dựng Đề án 01 cũng với mục tiêu sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, đây là một công việc không hề dễ dàng, với rất nhiều những lực cản. “Khi chúng tôi tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn về Đề án đổi mới, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, hầu hết lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đều đồng tình, thậm chí coi đây là việc cấp thiết phải làm. Nhưng khi “đụng” đến cơ quan, đơn vị thì nhiều người lại đứng lên nói rằng “nếu có giảm thì xin giảm chỗ khác, còn chỗ tôi mọi việc đang rất tốt, không nên giảm”, ông Toàn kể. Thậm chí, có ý kiến còn nói “tỉnh B, tỉnh C chưa làm thì chúng ta cũng chưa nên làm, vì phức tạp, đụng chạm lắm. Hơn nữa, Vĩnh Phúc ngân sách dồi dào, mỗi năm thu hàng chục nghìn tỷ, việc gì phải giảm biên chế”, ông Toàn chia sẻ.

Giảm chục nghìn người, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng

Không chỉ vấp phải lực cản từ các cơ quan đơn vị trong tỉnh, Vĩnh Phúc còn phải chịu áp lực phản đối của một số cơ quan, hiệp hội ở trung ương. Theo thống kê, trước khi thực hiện Đề án 01 của tỉnh và Nghị quyết 18, 19 của Trung ương, chỉ riêng các cấp hội, toàn tỉnh có 1.431 đơn vị, hoạt động nhiều trùng lặp. Do đó, tỉnh quyết định “đổi mới” theo hướng, từ năm 2017, không hỗ trợ kinh phí ngân sách nhà nước; các hội hoạt động theo đúng nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động. Nhà nước đặt hàng các hội về nội dung hoạt động trong năm và cấp kinh phí theo nội dung đặt hàng. Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc còn có chủ trương các đồng chí lãnh đạo tỉnh khi về nghỉ hữu không tham gia các hội.

Ngoài ra, tỉnh cũng quyết định xóa bỏ đặc thù của 16/19 hội; sáp nhập một số hội đặc thù với nhau như chuyển Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh, Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin về Hội Chữ thập đỏ tỉnh quản lý. Chuyển Ban đại diện Hội người cao tuổi về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh quản lý… “Khi những điều này được ban hành và đưa vào nội dung Nghị quyết của tỉnh, các hiệp hội trên trung ương phản ứng lắm. Họ không chỉ gửi công văn thắc mắc mà còn gọi điện cho lãnh đạo tỉnh phản ứng rằng “nơi khác có làm đâu mà sao Vĩnh Phúc lại làm”, ông Toàn kể. 

“Trước đây, chúng ta chi rất nhiều để nuôi bộ máy, nhưng do cồng kềnh, trùng lặp nhiệm vụ nên hiệu quả thấp, thậm chí còn gây mất lòng tin trong nhân dân. Nay chúng ta tái cơ cấu lại, tiết kiệm được ngân sách, chọn lựa được cán bộ giỏi, thì chắc chắn bộ máy khỏe lên và có tín nhiệm với nhân dân hơn”.

Ông Hoàng Văn Toàn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Điều đáng mừng được ông Toàn chỉ ra là đến năm 2017, tại Hội nghị lần thứ 6, Trung ương đã thống nhất ban hành Nghị quyết 18, 19. Nghị quyết cũng khẳng định quan điểm rõ ràng của Đảng về việc tinh giản tổ chức bộ máy, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức hội. “Đến lúc này thì sự phản đối của các hội ở trung ương mới chấm dứt và việc thực hiện mới thuận lợi và quyết liệt”, ông Toàn nói và cho biết, việc đổi mới hoạt động của các hội đã giúp tỉnh tiết kiệm được 20 tỷ đồng.

Với quyết tâm trong việc thực hiện tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kết quả của Vĩnh Phúc là rất khả quan: So với năm 2015, toàn tỉnh đã giảm được 169 đầu mối; tinh giản biên chế là 1.579 người, trong đó tinh giản theo Nghị định 108 là 246 người, tinh giản theo Nghị quyết 31/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là 312 người, cắt giảm chỉ tiêu khi thôi việc, nghỉ hưu là 1.021 người. Đặc biệt giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách so với năm 2015 là 10.704 người. Qua đó đã tiết kiệm được 185,2 tỷ đồng để tái đầu tư và nâng cao đời sống cho cán bộ.

Đặc biệt trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy của tỉnh đã mạnh dạn thí điểm một số nội dung mà Nghị quyết Trung ương 6 chưa đề cập đến như sáp nhập  nhiều phòng chuyên môn của các sở, ban, ngành với nhau; sáp nhập Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện vào ban tuyên giáo huyện ủy (một số nơi sáp nhập thêm ban dân vận cấp huyện); sáp nhập phòng dân tộc, phòng y tế huyện vào văn phòng HĐND & UBND huyện; sáp nhập đài truyền thanh huyện vào trung tâm văn hóa thể thao huyện; sáp nhập các trường cao đẳng với nhau.  

MỚI - NÓNG