Đại biểu Quốc hội: Tinh giản biên chế không thể cào bằng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vấn đề tinh giản biên chế nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội. Các ý kiến đều nhận định, nếu cứ cào bằng biên chế cho các địa phương thì việc triển khai thực hiện trên thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn giữa các vùng.

Hà Nội thừa giáo viên vì học sinh bị dồn lớp

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Vấn đề tinh giản biên chế nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu. Các ý kiến đều nhận định, nếu cứ cào bằng biên chế cho các địa phương thì việc triển khai thực hiện trên thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn giữa các vùng.

Khi khảo sát ở địa phương, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) cho rằng, tinh giản biên chế, một số nơi còn bất cập do cào bằng giữa các địa phương mà không phân chia theo vùng miền. Từ đó dẫn đến những nơi đô thị, học sinh rất đông, còn ở nông thôn, học sinh ít.

Ở khu vực thành thị không đảm bảo số phòng học cho học sinh học 2 buổi trên ngày, còn nơi khó khăn giáo viên lại không có, đặc biệt với giáo viên chuyên ngành.

Đại biểu Quốc hội: Tinh giản biên chế không thể cào bằng ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang

Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên chia sẻ, về vấn đề biên chế, tỉnh Thái Nguyên sẽ có sự khác nhau giữa các địa bàn. Bà Hải ví dụ, Phổ Yên gần Hà Nội, mức sống cao thì mức cắt giảm biên chế khác, nhưng với Võ Nhai, áp dụng cũng khác.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói, qua theo dõi, Hà Nội quy định 35 cháu một lớp, nhưng trên thực tế không lấy đâu ra lớp học, dẫn đến mỗi lớp phải 45 - 50 cháu.

"Cuối cùng thành ra thừa biên chế giáo viên khi học sinh bị dồn lớp”, ông Giang nói, và cho rằng, phân bổ biên chế phải căn cứ vào tình hình của từng địa phương. Nếu cứ cào bằng như hiện nay, nhiều địa phương sẽ rất khó khăn.

Về cải cách tiền lương từ 1/7, qua theo dõi, ông Giang cho rằng, bản chất của tăng lương là "gom tất cả các khoản thu nhập hiện tại vào trở thành lương". Nhưng theo ông, điều quan trọng hơn là tâm lý tăng lương dẫn tới tăng chỉ số giá tiêu dùng. “Cứ lương tăng là chỉ số tiêu dùng tăng lên, vậy giải pháp việc này ra sao?”, ông Giang đặt vấn đề.

Đại biểu Quốc hội: Tinh giản biên chế không thể cào bằng ảnh 2

Đại biểu Lê Thị Song An

Phân luồng học sinh, phụ huynh học sinh lớp 9 rất lo lắng

Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, theo đại biểu Lê Thị Song An, việc dần mở rộng miễn phí giáo dục theo cấp học, sẽ giúp trao cơ hội cho tất cả mọi người, giảm bớt đi rào cản tài chính cho học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, với lộ trình miễn học phí bậc trung học phổ thông, đại biểu ngành giáo dục tỏ ra băn khoăn. Bởi như vậy, tùy theo vùng miền, điều kiện các địa phương, có nơi thuận lợi sẽ được miễn học phí, nhưng các vùng miền khó khăn lại không có điều kiện hỗ trợ, nên có sự bất bình đẳng đối với các em học sinh. Bà An đề nghị phải có chính sách thực hiện thống nhất, đồng bộ trong cả nước, không thể giao về cho địa phương.

Đề cập đến vấn đề kiểm định giáo dục, để đảm bảo khách quan, thực chất, nữ đại biểu đoàn Long An đề nghị Bộ GD&ĐT cần có quy định về tổ chức kiểm định độc lập, đảm bảo chất lượng kiểm định các trường phổ thông, đại học, tránh “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như hiện nay.

Tương tự về phân luồng, hướng nghiệp học sinh, theo bà An, còn hạn chế do chưa tạo ra sự khác biệt về chất. Trường nghề vật chất không đảm bảo, không thu hút được học sinh. Trong khi đó chúng ta lại áp dụng chỉ tiêu, chỉ 60% học sinh lớp 9 được vào học lớp 10 công lập, còn 40% vào học nghề, hoặc các trường công lập.

Thực tế đó dẫn đến trường hợp như ở TPHCM, khi áp dụng tăng tỷ lệ phân luồng học sinh, phụ huynh học sinh lớp 9 rất lo lắng, vì các em không được vào học lớp 10, mà phải đi học nghề. Như vậy vô tình các em đã bị tước đi quyền có thể học tiếp lớp 10, 11 và 12. Trong khi trường nghề lại không đảm bảo cơ sở vật chất, dẫn đến bài toán phân luồng cứ luẩn quẩn như vậy.

“Năm đầu tôi có ý kiến, năm nay vẫn như vậy, không có gì đổi mới hết. Tôi tha thiết một lần nữa đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ,TB&XH có sự phối hợp, đưa cơ chế cụ thể hơn, thiết thực hơn, giúp công tác phân luồng thực tiễn hơn. Chỉ nơi nào có nhiều doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu, các em ra có việc làm là tự các em đi vào phân luồng đó, cũng không cần áp đặt tỷ lệ cao. Bộ nên tham khảo ý kiến các địa phương khi đưa ra tỷ lệ này”, bà An nói.

“Khi tiếp xúc cử tri, ở các huyện trọng điểm, có nhiều em học sinh điểm rất cao, nhưng lại thiếu trường học, khiến phụ huynh rất lo lắng. Cử tri nêu ý kiến rất nhiều về công tác phân luồng”, bà cho hay.

MỚI - NÓNG
Cận cảnh những khu chung cư cũ ‘dễ cháy, khó chữa’ tại Hà Nội
Cận cảnh những khu chung cư cũ ‘dễ cháy, khó chữa’ tại Hà Nội
TPO - Hà Nội hiện có hàng trăm chung cư cũ với hàng loạt nguy cơ cháy như: Dây điện chằng chịt, đồ đạc dễ cháy để khắp hành lang; thậm chí, người dân còn đốt vàng mã trong cầu thang, dưới đường dây điện. Khi xảy ra cháy, công tác chữa cháy rất khó khăn vì đường vào bị lấn chiếm, cho thuê làm hàng quán...